Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lệ Thủy (Quảng Bình) Được Mùa Ruốc Biển

Lệ Thủy (Quảng Bình) Được Mùa Ruốc Biển
Ngày đăng: 09/11/2014

Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.

Theo những ngư dân đi biển lâu năm trong vùng thì đã gần chục năm nay, chưa có năm nào bà con xã Ngư Thủy Nam lại trúng đậm mùa ruốc biển như năm nay. Thông thường mùa ruốc biển bắt đầu từ tháng 9 âm lịch và kéo dài đến tháng 12 âm lịch.

Trong khoảng thời gian này, ruốc thường xuất hiện và đi theo từng luồng theo những con sóng trôi sát gần bờ; để đánh bắt ruốc, ngư dân phải dùng loại lưới dày. Dù mới đầu mùa nhưng nhiều ngư dân đã trúng đậm ruốc biển khiến nhiều người hy vọng sẽ có một mùa ruốc bội thu.

Mới 6 giờ sáng, nhưng không khí nhộn nhịp đã bao trùm cả bờ biển ở thôn Liêm Bắc. Cách bờ chưa đầy 1 hải lý, hàng chục chiếc thuyền nan lớn nhỏ đang ngược xuôi tất bật cào ruốc. Trên bờ, nhiều người đứng đợi thuyền vào với tâm trạng hồ hởi.

Vừa hướng mắt nhìn ra biển ngóng thuyền của hai đứa con trai đi cào ruốc vào ông Lê Văn Tị, thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Trung vừa tâm sự, ba hôm nay, hôm nào gia đình ông cũng đánh bắt được 2 đến 3 tạ ruốc.

Và niềm vui như được nhân đôi với gia đình ông khi giá mỗi kg ruốc tươi bán được 11.000 - 12.000 đồng. Tính ra mỗi ngày gia đình ông thu được gần 3 triệu đồng. So với đánh bắt cá thì công việc này tuy vất vả nhưng giá trị thu lại cao hơn hẳn. Hầu như những ngày này gia đình nào có thuyền cũng tận dụng hết thời gian để ra khơi khai thác ruốc biển.

Niềm vui được mùa, được giá khiến cho những ngư dân như quên hết mệt mỏi. Vừa cập bờ sau chuyến thứ hai trong ngày ra khơi, một ngư dân cười tươi cho hay: "Ruốc mấy hôm nay xuất hiện nhiều lại gần bờ nên tôi tranh thủ ra khơi. Có ngày ra khơi 5 chuyến, bắt được từ 2 - 2,5 tạ". Ruốc sau khi đưa vào bờ, sẽ được bà con sàng và làm sạch hết rác rồi gánh lên nhập trực tiếp cho các chủ thu mua đang chờ sẵn.

Không chỉ riêng xã Ngư Thủy Nam ngư dân phấn khởi vì được mùa ruốc biển mà các xã như Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc bà con cũng vui vẻ, hồ hởi không kém. Những con ruốc đỏ tươi sau khi được kéo lên bờ, vào những ngày được nắng, nhiều ngư dân quyết định không nhập trực tiếp cho các thương lái mà đem về phơi khô. Con ruốc khi được phơi khô thì giá trị cao gấp mấy chục lần so với ruốc tươi.

Chị Nguyễn Thị Thương, xã Ngư Thủy Bắc đang thu gom số ruốc vừa mới phơi khô đóng bao để bán cho thương lái đến mua tại nhà cho hay: Nếu bán ruốc tươi thì giá mỗi kg là 11.000 đồng, nhưng nếu phơi khô thì mỗi kg ruốc khô có giá 100.000 đồng. Tuy phải chế biến và phơi khô vất vả nhưng giá trị lại cao nên chị rất mừng.

Có thể nói, với ngư dân những xã bãi ngang như Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc, quanh năm bám biển mưu sinh thì ngoài những vụ cá chính, mùa ruốc biển năm nay, được mùa được giá là niềm vui bất ngờ không diễn tả hết thành lời.

Theo ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho hay: Toàn xã có đến 80% người dân theo nghề biển, tuy nhiên hiện chỉ có 260 chiếc thuyền nan công suất dưới 20CV hoạt động. Đa số ngư dân đều làm việc theo mùa vụ, tức mùa nào nghề ấy và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vì vậy, mùa ruốc năm nay ngư dân được mùa không những mang lại niềm vui mà quan trọng là tạo được khoản thu nhập lớn cho những ngư dân nghèo.


Có thể bạn quan tâm

Mua cau bất thường Mua cau bất thường

Thời gian gần đây, nhiều người lạ mặt đến các vùng quê trên địa bàn tỉnh để lùng sục thu gom cau với giá cao ngất ngưởng. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng này chỉ thu mua cau non (trái cau chỉ bằng đầu ngón tay cái) và gom cả nguyên buồng nên đây được xem là việc làm rất bất thường.

14/05/2015
Tích cực ứng phó bệnh vàng lá gân xanh Tích cực ứng phó bệnh vàng lá gân xanh

Ngành chuyên môn cùng các nhà vườn ở địa bàn được xem như “thủ phủ” vườn trái cây có múi của tỉnh là huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội.

14/05/2015
Nuôi lợn giỏi, cho 8 con học đại học Nuôi lợn giỏi, cho 8 con học đại học

Ở tổ 7, phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), ai cũng thán phục ông Trần Thanh Cảnh là người nuôi lợn giỏi. Dù quy mô nuôi lợn không lớn, nhưng ông đã duy trì nghề nuôi lợn liên tục hơn 20 năm, không gây ô nhiễm môi trường, chưa lúc nào lỗ vốn.

14/05/2015
Giàu lên nhờ đặc sản cá thát lát, khô sặc rằn Giàu lên nhờ đặc sản cá thát lát, khô sặc rằn

Với bản chất cần cù, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà.

14/05/2015
Giỏi kỹ thuật, nhà nông thành tỷ phú Giỏi kỹ thuật, nhà nông thành tỷ phú

Nghề trồng hoa cây cảnh đã biến vùng đất nghèo vùng ven TP.Tuy Hòa (Phú Yên) trở nên trù phú với nhiều gương tỷ phú nông dân.

14/05/2015