Lão Nông Sang Nhật Săn Giống Đậu Bắp

Mong muốn tìm ra được loại giống đậu bắp thuần chủng đạt chuẩn, kháng sâu bệnh, năng suất cao, đáp ứng được thị trường xuất khẩu, lão nông Lê Văn Trung (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã sang Nhật và “săn” được giống tốt.
100 hạt giống quý báu
Ông Lê Văn Trung (còn gọi là Tư Trung) hiện nay là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi, chuyên nhận hợp đồng sản xuất và cung ứng các loại rau, củ, quả an toàn. Mặc dù năm nay mới 48 tuổi đời nhưng ông đã có gần 30 năm trong nghề làm nông.
Ông Tư Trung cho biết: Năm 2006, HTX hợp tác với Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải – TP.HCM, nơi đây cung ứng toàn bộ giống và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Hợp tác được 3 năm thì ngừng do có nhiều nguyên nhân. “Điều làm tôi trăn trở nhất lúc đó là cây giống công ty cung ứng cho bà con nông dân không đạt chuẩn, lẫn lộn nhiều hạt sạn khiến cho chất lượng trái không đồng đều. Vì thế tôi nhất quyết bỏ ra một năm để nghiên cứu, tìm tòi nguồn giống thích hợp” – ông Tư Trung nhớ lại.
Năm 2007, ông Tư Trung có cơ may được tháp tùng đoàn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua tận xứ sở hoa anh đào (Nhật Bản) để tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp của nước bạn. Ông nhớ lại: “Chuyến đi đó giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng rau hữu cơ, rau an toàn, đặc biệt là đối với giống đậu bắp Nhật. Lần đó, tôi nghiên cứu tìm hiểu kỹ thị trường nội địa nước bạn và mua được 100 hạt giống đậu bắp Nhật đem về Việt Nam”.
Nhân giống xuất khẩu
Sau khi đem được 100 hạt giống về nước, ngoài việc nghiên cứu, học hỏi qua sách vở, ông Tư Trung còn đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam để nhờ các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật ươm giống. Từ 100 hạt giống đậu bắp Nhật, ông ươm tỷ lệ nảy mầm sống đạt 50%. Ông Tư Trung so sánh: “So với đậu bắp thông thường thì giống đậu bắp Nhật với nhiều ưu điểm vượt trội như: Cây phát triển tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao, trái dày đẹp đồng đều, nặng, vỏ có màu xanh đậm… Trồng 50 ngày là cho thu hoạch, bình quân mỗi ha cho nâng suất đạt từ 2 – 3 tấn”.
Ông Tư Trung cho hay, hiện có một đối tác ở Singapore đang đặt hàng 1 tấn/ngày và yêu cầu đóng thùng xuất thẳng qua. HTX vừa thử nghiệm thành công về cách bảo quản độ tươi của trái đậu bắp theo yêu cầu của đối tác này và đang chào hàng cho họ.
Ông Chín Đường ở ấp Thành Nhân cho biết: “Hiện 4 công đậu bắp của gia đình tôi đang cho thu hoạch. So với trồng lúa thì 1 công trồng đậu bắp cho thu nhập cao gần gấp 3 lần, bình quân mỗi công đậu bắp cho thu lợi từ 7 – 8 triệu đồng”.
Hiện HTX đang cung ứng giống miễn phí cho bà con nông dân, hợp động bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với giá 7.500 đồng/kg (loại 1); 5.000 đồng/kg (loại 2). Ngoài ra, HTX còn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc sinh học bảo đảm độ an toàn.
Thời gian qua, HTX Thành Lợi đã ký hợp đồng bao tiêu cho 3 nhà máy lớn ở Cần Thơ, Hậu Giang và Tiền Giang cung ứng gần 200 tấn đậu bắp để xuất khẩu đi Nhật.
Có thể bạn quan tâm

Hai vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đã được tỉnh phê duyệt thuộc xã Hoà Tân, TP Cà Mau và xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, quy mô gần 2.000 ha. Ðây được xem là 2 vùng nuôi tạo sự đột phá cho con tôm Cà Mau từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, dù được phê duyệt từ năm 2011 nhưng việc triển khai thực hiện đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.

Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, ông Nguyễn Hồng Phú, ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) từng lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Khi được giới thiệu mô hình nuôi thỏ, ông đã bỏ công sức tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và quyết định làm giàu từ thỏ.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đến nay, toàn huyện có 142 lán trại trồng nấm tại 24 xã với tổng diện tích 21.150 m2. Năm nay, huyện tiếp tục sản xuất các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ cung cấp ra thị trường. 9 tháng qua, sản lượng thu hoạch nấm tươi của toàn huyện đạt 153 tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ - Bình Định), cho biết: Do thiếu nước tưới, vụ bắp vừa qua nông dân Mỹ Thọ chỉ trồng 79 ha bắp xen với cây hành, giảm 31 ha so cùng vụ năm ngoái. Tuy thời tiết nắng nóng kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất, nhưng diện tích nào đã trồng thì bà con nông dân vẫn kéo điện ra đồng khai thác mạch nước ngầm để tưới, nên năng suất bắp đạt khá cao.

Những ngày qua, 14 hộ nông dân ở ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đang “khóc dở” vì đã trồng giống ớt mới có tên là Hồng Hạc 2 của Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia, địa chỉ 922/8 Cách mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.