Lao đao vụ trái cây hè

Do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, vụ trái cây hè năm nay nhiều nhà vườn mất mùa, vào vụ trễ. Tuy nhiên, trái với quy luật “mất mùa, được giá”, nông dân trồng đặc sản đang phấp phỏng lo âu một vụ thu hoạch vừa mất mùa, vừa mất giá vì diễn biến khó lường của thị trường.
* Mất cơ hội giá tốt
Do vào vụ trễ nên nhiều nhà vườn mất cơ hội bán trái đầu mùa với giá cao, nhất trong tình trạng giá trái cây biến động bất thường như hiện nay. Có thể nói, giá trái cây thay đổi theo ngày chứ không còn chia giai đoạn đầu mùa, rộ mùa như mọi năm. Trong đó, hiện tượng thương lái đổ xô mua sầu riêng và sẵn sàng trả giá cao thu gom cả sầu riêng chưa đủ độ già như Báo Đồng Nai từng phản ánh vài ngày trước đó đã lắng xuống. Theo đó, giá sầu riêng hạt lép bán tại vườn hiện chỉ còn khoảng 24 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 ngàn đồng/kg so với vài ngày trước đó, vì thương lái đang tạm dừng thu mua.
Ông Nguyễn Văn Tâm, nông dân trồng măng cụt tại TX.Long Khánh, lo lắng: “Một tháng trước, thương lái thu mua măng cụt tại vườn với giá đến 60 ngàn đồng/kg, nhưng hầu như chưa nhà vườn nào ở vùng này có sản phẩm để bán. Ngay sáng Tết Đoan ngọ (ngày 20-6 dương lịch), thương lái vào vườn măng cụt, giá chỉ còn 29 ngàn đồng/kg nhưng đến chiều cùng ngày, giá liền rớt xuống còn 25 ngàn đồng/kg”.
Theo nhiều nhà vườn trồng măng cụt, tuy mức giá này tương đương với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhà vườn lại phấp phỏng lo âu vì mọi năm thời điểm này các vườn măng cụt đã chín rộ thì nay chỉ mới cho bói quả đầu mùa. Chỉ trong ngày cao điểm cúng Tết Đoan ngọ mà giá măng cụt đã rớt không phanh khiến nông dân không khỏi lo lắng một vụ thu hoạch ít lợi nhuận vì giá thấp.
* “Ép” đặc sản cho trái vụ
Ông Phan Văn Tân, nông dân trồng chôm chôm tại huyện Thống Nhất, chia sẻ: “Đầu vụ năm nay, chôm chôm nhãn, chôm chôm giống Thái Lan bán được 30 ngàn đồng/kg, chôm chôm thường cũng được 15 ngàn đồng/kg. Nhưng do nhiều nhà vườn bị trễ vụ nên lỡ mất cơ hội bán giá cao. Nhiều nhà vườn hiện đứng ngồi không yên vì năm nay năng suất chôm chôm nhãn giảm mạnh, có vườn thất thu đến 60 - 70%”.
Mọi năm khi mất mùa, nhà vườn còn trông vào mức giá cao để bù lỗ nhưng vào thời điểm Tết Đoan ngọ, giá chôm chôm nhãn, chôm chôm giống Thái Lan chỉ còn 11 - 12 ngàn đồng/kg và có nguy cơ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới khiến nông dân rất lo lắng. Vài năm trở lại đây, một số nhà vườn đang ứng dụng kỹ thuật “ép” cho chôm chôm ra trái sớm để tránh rơi vào cảnh mất giá khi rộ mùa, nhưng không phải năm nào cũng thành công.
Trồng rải vụ hoặc “ép” cho vườn cây cho thu hoạch trái mùa đang được nhiều nông dân Đồng Nai quan tâm ứng dụng để tránh rủi ro rộ mùa, mất giá. Trong đó, có nhiều nông dân đã ứng dụng thành công kỹ thuật này. Ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Mùa hè là vụ thu hoạch chính của thanh long ruột đỏ. Những năm trước, thanh long rộ vụ vẫn bán được 20 - 30 ngàn đồng/kg. Nhưng khi nông dân trồng loại đặc sản này nhiều, giá cũng giảm theo, hiện chỉ còn 15 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, thời điểm này nhiều nhà vườn nhặt bỏ hoa, không để thanh long kết trái; ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long rải vụ, trái vụ”.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê, song vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi người trồng cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức do diện tích cà phê tăng nhanh, nhưng nguồn nước tưới chưa được quan tâm đầu tư.

Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong đã đạt được nhiều kết quả.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, nền sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông phát triển đa dạng và tương đối toàn diện với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo thế và lực cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nhằm mở ra hướng đi mới.