Lao Đao Với Trầm Hương

Ngày mới xuất hiện, cây dó bầu được xem như là cơ hội làm giàu cho bao nông dân nghèo ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), đặc biệt là ở vùng điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc khó trồng các loại cây công nghiệp khác.
Thực tế, loại cây này cũng giúp một số gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả hơn. Nhưng trong vòng nửa năm nay, giá trầm xuống thấp khiến cho nhiều người lao đao vì lỡ đầu tư lớn.
* Lỗ nặng vì trầm
Dù là một trong những người đầu tiên của cả vùng chuyên thu mua cây dó bầu về để chế biến trầm hương từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bà Ngô Kim Thanh, chủ Doanh nghiệp Kim Thanh ở ấp Phú Yên, xã Phú Trung, chứng kiến giá trầm hương rớt mạnh như hiện nay. Bởi chỉ 6 tháng trước đây, qua các thương lái, trầm được xuất sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore với giá cao.
Tùy theo loại, mỗi ký trầm được bán với giá từ 700 ngàn đồng đến 7 triệu đồng, nhưng nay giá đã giảm xuống hơn một nửa, mà hàng xuất đi cũng chỉ cầm chừng. Vì thế, bà Thanh và những người mua dó trầm ở đây gặp nhiều khó khăn.
“Khoảng 5 - 6 tháng nay, trầm xuất đi không được, do phía Trung Quốc, Đài Loan nhập hàng rất ít. Trong khi đó, nhiều vườn dó của nông dân lại đến kỳ thu hoạch hàng loạt, nên cung đã vượt quá cầu. Vì thế giá trầm giảm xuống rất nhiều” - bà Thanh nói.
Do giá xuống mạnh nên loại trầm tốt nhất trên thị trường hiện tại có giá khoảng 4 triệu đồng, trầm có phẩm chất kém chỉ còn khoảng 400 ngàn đồng. Mặc dù xuất khẩu trầm hiện gặp khó, thua chịu lỗ liên tục, nhưng một số người kinh doanh trầm tại Tân Phú vẫn phải thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có vốn mua gỗ dó bầu về chế biến do trước đó đã ký hợp đồng với các nhà vườn.
Ông Nguyễn Văn Luyến, chủ cơ sở chế biến trầm ở xã Phú Trung, cho biết ông đã vay vốn đi thu mua cây dó của các nhà vườn ở khắp các tỉnh, như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... để về chế biến trầm. Nhưng trong lúc này, do phải vay vốn ngân hàng để trả tiền công lao động và cho các nhà vườn đã ký hợp đồng, ông gặp rất nhiều khó khăn vì hàng làm ra chỉ bán được cầm chừng.
* Trầm lắng theo giá trầm
Xã Phú Trung không chỉ là vùng nguyên liệu dó bầu, mà nhiều người còn đi khắp các tỉnh thu mua cây dó về chế biến lấy trầm hương rồi bán cho các thương lái để xuất khẩu. Nghề chế biến trầm hương khá phổ biến ở đây nên nhiều gia đình có được công ăn việc làm đều đặn, với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có nhiều người đã trở nên khá giả.
Tuy nhiên, hiện nay từ chủ hàng đến những người làm công đều gặp khó vì giá trầm rớt mạnh.Trước đây khi giá trầm còn cao, cả khu vực các ấp Phú Lợi, Phú Kiên, Phú Thắng... đều nhộn nhịp, người người, nhà nhà đều tất bật với các công đoạn chế biến trầm từ cưa, xẻ, đục xủi, mài... gỗ dó để lấy trầm hương, nhưng khi giá thấp không khí này đã trầm lắng hẳn.
Trước đây giá trầm cao, tiền công cho người lao động chế biến trầm cũng khá, từ 180 - 350 ngàn đồng/người/ngày, còn hiện nay tiền công giảm khoảng 50%.
Mặc dù càng làm càng lỗ, nhưng vì phải giữ mối làm ăn lâu dài với các đối tác xuất khẩu, nên hầu hết các chủ cơ sở chế biến trầm hiện tại phải chấp nhận chịu lỗ và sản xuất cầm chừng. Điều đáng nói, hầu hết các đối tác đều chọn Trung Quốc là thị trường chính để tiêu thụ trầm, nên khi thị trường này biến động theo chiều hướng xấu, thì người kinh doanh bị thiệt hại lớn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú, cho biết dó bầu là loài cây ưa ẩm, chịu bóng râm, thường phân bố trên độ cao từ 300-600m so với mặt biển. Không phải bất kỳ cây dó bầu nào cũng tạo thành trầm hương.
Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào làm sáng tỏ một cách rốt ráo cơ chế hình thành trầm hương trong cây dó bầu. Hiện nay, ở huyện Tân Phú có rất nhiều hộ trồng cây dó bầu trong diện tích vườn cây ăn trái hay cây công nghiệp đã được cải tạo hoặc trên diện tích đất của Chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Hầu hết những vườn cây dó bầu từ 5 năm trở lên đã được người dân cấy men để tạo trầm. Do có nguy cơ rủi ro cao, nên huyện không khuyến khích mà người dân trồng theo hình thức tự phát.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 1.038 ha nuôi tôm thâm canh và 2.046 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó, xã Phú Tân là xã chuyên ngư có 410 ha nuôi tôm thâm canh, 2006 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến; xã Phú Đông có 280 ha nuôi thủy sản.

Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc luôn được người dân ưu tiên lựa chọn.

Ngày 24.7, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức thả 20 nghìn con cá giống điêu hồng tại 4 lồng bè nuôi cá thí điểm tại khu vực đập phụ, cửa xả nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc).

Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Những nguyên tắc đơn giản của phương pháp chăn nuôi ATSH có thể áp dụng đa dạng với quy mô từ nhỏ đến lớn.

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn tại xã Mỹ Hiệp Sơn ngày càng được nông dân chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, cho lợi nhuận cao và nhất là giá thị trường rất ổn định. Ông Phạm Văn Ba ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất - Kiên Giang) là hộ điển hình thành công với mô hình này.