Lao Đao Vì Cá Chình Nhiễm Bệnh

Thời gian gần đây, người nuôi cá chình lồng ở thôn Hà Lỗ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn vì cá nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Xóm ven sông thuộc thôn Hà Lỗ, xã Hải Tân có 32 hộ nuôi cá lồng bè từ xưa đến nay. Tuy nhiên khoảng từ 5 năm trở lại đây, hiện tượng cá chình, con nuôi cho thu nhập chính của người dân nơi đây bắt đầu bị nhiễm bệnh chết dần chết mòn khiến họ rất hoang mang, lo lắng.
Ông Mai Văn Thành, Chi hội trưởng nông dân- ngành nghề nuôi cá thôn Hà Lỗ lo lắng cho biết: “Hiện tượng cá chình nuôi bị đỏ da, xuất hiện nấm dưới da rồi nổi lờ đờ và bỏ ăn sau đó chết dần đã diễn ra từ lâu nhưng từ khoảng tháng 4/2013 đến nay thì trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Chúng tôi có kinh nghiệm nuôi cá chình lồng hàng chục năm nay nhưng cũng không xác định được cụ thể là bệnh gì.
Cũng từ khi cá chình nhiễm bệnh đã khiến tâm lý người nuôi rất hoang mang. Có nhiều hộ không còn vốn để duy trì lồng nuôi nên cuộc sống gặp khó khăn. Trước tình trạng đó, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên để được hỗ trợ nhưng vẫn chưa có hồi âm”.
Được biết, hầu hết các hộ dân nuôi cá lồng ở thôn Hà Lỗ đều có cuộc sống khó khăn, chủ yếu dựa vào sông nước. Bình quân mỗi hộ ở đây nuôi từ 2 – 3 lồng cá, trong đó ít nhất có 1 lồng cá chình, số còn lại nuôi cá mè, trắm, rô phi… Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ nuôi cá lồng cho biết, tình trạng này kéo dài nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan có chuyên môn khiến họ rất lo lắng, không biết phải làm sao.
Anh Nguyễn Văn Quốc, một hộ nuôi 2 lồng cá, trong đó có một lồng cá chình đã sắp đến kỳ thu hoạch, chỉ vào những con cá chình bị nhiễm bệnh nổi lờ đờ vừa vớt lên cho biết: “Chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để chữa trị cho cá, áp dụng kinh nghiệm cũng có, thuốc cũng có nhưng đành bó tay.
Cá chình nuôi ngày càng bị bệnh nhiều hơn, chết nhiều hơn. Cứ nhìn đàn cá chình nuôi chết dần chết mòn mà xót xa lắm. Bao nhiêu tiền của, mồ hôi nước mắt chăm sóc mà giờ thế này thì làm sao chúng tôi yên tâm làm ăn được. Cá cứ chết mãi khiến chúng tôi không còn tiền mua giống để nuôi tiếp”.
Ngoài ra, tại thôn Hà Lỗ có nhiều hộ nuôi từ 2-3 lồng khác như hộ các anh: Phan Văn Hiền (3 lồng), Nguyễn Câu (2 lồng), Võ Văn Quê (1 lồng), Mai Văn Miếng (2 lồng)… cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khó vì cá chình bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Ước tính thiệt hại từ tháng 4/2013 đến đầu năm 2014 của mỗi hộ dân trong tổng số 32 hộ nuôi bình quân khoảng 4-5 triệu đồng, chủ yếu ước tính tiền giống, chưa kể thiệt hại số cá sắp cho thu hoạch.
Ông Mai Văn Thành cho biết thêm: “Nếu như không bị bệnh thì mỗi vụ nuôi, 1 lồng cá chình cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, các loại cá khác thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên những vụ gần đây hầu như bà con chúng tôi đều trắng tay do cá chình chết nhiều quá.
Giá cá chình thành phẩm hiện nay bán ra thị trường khoảng 500.000 đồng/kg, trong khi đó cá giống tự nhiên mua để nuôi khoảng 550.000 đồng/kg, mỗi lồng nuôi chừng 8-10 kg cá giống, tính ra nuôi cá chình cho thu nhập khá cao vì chi phí thức ăn không đáng kể.
Tuy vậy, hiện nay dịch bệnh diễn ra trên diện rộng nên nhiều hộ đã bắt đầu chán nản có ý định bỏ nghề, nhiều hộ thiếu vốn cũng bỏ lồng bè 2-3 năm rồi để đi làm thuê. Đây là nghề truyền thống từ xưa nay của bà con, không ai muốn bỏ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan cần sớm kiểm tra, xem xét và có chính sách hỗ trợ cho bà con yên tâm nuôi và gắn bó lâu dài với nghề”.
Có thể bạn quan tâm

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất gần 4 triệu tấn thức ăn thủy sản (TĂTS) nhưng việc kiểm soát chất lượng mặt hàng lại đang bị buông lỏng, khiến nông dân hứng chịu không ít thiệt hại.

Ngày 12-12, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác triển khai mô hình chuỗi thí điểm cá rô đồng cung cấp thực phẩm an toàn tại tỉnh Hậu Giang năm 2013. Đến dự, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, một số tỉnh khu vực ĐBSCL và nông dân trên địa bàn tỉnh.

“Hồi mới bắt tay vào nuôi lươn không bùn, nhiều người tới coi, tỏ ra bán tín bán nghi, cứ lắc đầu vì làm như thế là khác với tập tính của lươn ngoài tự nhiên. Không nản chí, ngày đêm vợ chồng tôi âm thầm thay nhau chăm sóc đàn lươn. Không phụ lòng người, đàn lươn trong bể phát triển từng ngày thấy rõ, gia đình thu lãi 50 triệu đồng sau 6 tháng nuôi” – Ông Hồng cho hay.

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp quy mô xã nên đàn gia cầm ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) luôn được bảo vệ an toàn.

Được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II Miền Nam hỗ trợ 1.000 con cá tra giống bố mẹ để thực hiện chương trình cải thiện di truyền đàn cá tra địa phương, sau thời gian nuôi, anh Đặng Văn Thoại ở xã Tân Phước (Lai Vung - Đồng Tháp) đã cho ra những mẻ cá tra bột đầu tiên.