Lao đao nghề muối

Cánh đồng muối thôn Phú Lộc 3 vào vụ muối chính
Nhờ thời tiết diễn biến thuận lợi, số giờ nắng cao nên muối được mùa. Tuy nhiên, giá muối lại xuống quá thấp…
Đây là địa phương làm nghề muối lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Theo số liệu thống kê, cả xã có tới 500 hộ làm muối, tập trung ở các thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3 và Phú Lộc 4. Với diện tích sản xuất gần 230 ha đã đem lại sản lượng hơn 12.000 tấn muối/năm.
Năm trước giá muối lên cao, dao động từ 1,6 - 1,9 triệu đồng/tấn đã khuyến khích diêm dân mở rộng thêm diện tích.
Năm nay mới bước vào chính vụ nhưng giá muối “tuột dốc” không phanh.
“Mấy ngày đầu, ngày giá muối vẫn còn 1,7 triệu đồng/tấn nhưng chỉ 3 - 5 ngày sau, giá mua tại ruộng chỉ còn 1,1 triệu đồng/tấn. Nhiều diêm dân không chỉ lỗ nặng sau một mùa muối mặn chát mà còn tốn công, tốn sức”, ông Nguyễn Văn Thái, một hộ dân làm muối ở thôn Phú Lộc 2 nói.
Vừa mới cào gom xong mấy ụ muối cuối vụ, ông Thái dừng tay than thở tiếp:
“Năm nay gia đình tôi tưởng muối được giá như năm trước nên đã đầu tư gần 40 triệu đồng mở rộng thêm gần 0,4 ha làm muối, nâng tất cả diện tích sản xuất lên gần 1 ha. Năng suất muối 1 ngày được 5 - 6 tạ/ha.
Ai ngờ, mới bước vào chính vụ mà giá muối giảm mạnh, lại bị tiểu thương ép giá đủ bề, rẻ cũng phải bán tống bán tháo, chứ không biết cất vào đâu.
Giá muối tụt dốc nhanh đã khiến diêm dân lỗ nặng
Tính ra lỗ nặng, vì ngoài khoản tiền nâng cấp ruộng mới, còn tiền thuê máy bơm nước biển vào ruộng, tiền công cho người làm, tiền mua các vật tư khác…”.
Việc tìm đầu ra cho muối của bà con Quảng Phú cũng là một bài toán nan giải nhiều năm qua. Hầu hết sản phẩm làm ra đều được bán cho các tư thương nhỏ lẻ ở các chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới với số lượng không đáng kể.
Việc thu mua thì mang tính chộp giật ngay tại ruộng, không có cam kết, hay giao kèo trước với bà con. Niên vụ muối năm nay, khi muối ế, giá xuống thấp thì tư thương lặn mất tăm, để mặc diêm dân với hằng trăm tấn muối trên ruộng.
Theo quan sát tại cánh đồng muối thôn Phú Lộc 3 thì suốt cả buổi chiều, gần tới tối vẫn không thấy bóng dáng tư thương, chỉ duy nhất có 1 xe loại nhỏ trọng tải gần 3 tấn vào “ăn” hàng.
Nhưng chừng đó cũng không thấm gì so với hàng trăm tấn muối chờ tiêu thụ.
Vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối lăn trên gò má, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Phú Lộc 3 nói: “Gia đình tôi làm được gần 1 ha muối, cứ 3 ngày lại gom một mẻ với sản lượng hơn 1,5 tấn để bán.
Mới vào đầu vụ, thì làm đến đâu bán đến đó nhưng khi bước vào chính vụ thì rất khó tiêu thụ.
Muối làm ra phải chở về nhà, đưa vào kho, sau mấy ngày mới bán hết được”.
Sản phẩm bí đầu ra, giá không được kiểm soát khiến bà con bị thiệt thòi cũng đã được chính quyền nơi đây quan tâm với việc dự định sẽ cho thành lập hợp tác xã muối để làm cầu nối thu mua...
Nhưng do nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, phải chờ các dự án cải tạo cánh đồng muối nên việc thành lập hợp tác xã vẫn còn trên giấy.
Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phú cho biết trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho bà con diêm dân, hội đã vận động, xúc tiến thành lập các Tổ hợp tác sản xuất, sau đó nâng cấp lên hợp tác xã.
Về lâu dài, phải tìm kiếm các doanh nghiệp lớn để bao tiêu sản phẩm ổn định cho diêm dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ngư dân kỳ vọng có thêm điều kiện để đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay hầu hết ngư dân vẫn còn băn khoăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.

Ngày 21/10, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện Năm Căn tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất tôm sú theo Vietgap cho 15 học viên đại diện cho các công ty, cơ sở và trại sản xuất giống trên địa bàn huyện.

Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm hướng dẫn các địa phương chuẩn bị nguồn cá tra giống đảm bảo yêu cầu về chất lượng; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia quy trình chăn nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP; cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các hộ thả nuôi trong vùng quy hoạch; đăng ký sản lượng sát với tình hình thực tế…