Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng Trứng Châu Mai (Hà Nội)

Làng Trứng Châu Mai (Hà Nội)
Ngày đăng: 07/10/2013

Người dân thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội), có nghề nuôi vịt đẻ trứng. Nhắc đến nghề này, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ tươi cười: "Trứng vịt lộn người Hà Nội ăn đều có xuất xứ từ làng tôi cả. Trứng vịt của làng có mặt ở khắp nơi: Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, nhưng chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Nhờ trứng mà hộ nghèo ở thôn này giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều gia đình sáng "mở mắt" ra đã có cả triệu đồng tiền lãi.

Thu tiền triệu mỗi ngày

Trong khu chuyển đổi của gia đình ông Đào Quang Tư, hàng nghìn con vịt đẻ tung tăng bơi lội. Gia đình ông Tư có 8 mẫu ruộng, vừa đào ao thả cá, vừa chăn nuôi vịt. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình thu hoạch 2 vụ cá, sản lượng 5 tấn, được khoảng 400 triệu đồng. Riêng 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu về 2.600 quả trứng. Mấy tháng gần đây, trứng vịt được giá, mỗi ngày tiền bán trứng, trừ chi phí, gia đình ông Tư thu lãi 1 triệu đồng. Mặc dù mỗi ngày thu hàng nghìn quả trứng nhưng theo ông Tư, gia đình ông vẫn thuộc những hộ thu nhập khiêm tốn so với các hộ khác trong thôn.

Ở Châu Mai, nhiều hộ nuôi quy mô lên tới 5.000 - 6.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu hơn 5.000 trứng vịt, cộng với việc ấp trứng, bán trứng vịt lộn, lãi 1-2 triệu đồng một ngày. Cùng khu chuyển đổi của thôn Châu Mai, gia đình ông Đào Bá Đạt cũng có ao thả cá và nuôi 2.000 con vịt.

Ông Đạt so sánh với cấy lúa truyền thống thì chăn nuôi cho hiệu quả cao gấp hàng trăm lần. "Một năm 2 vụ lúa, được mùa thì đạt 4 tạ/sào. Nhân với giá thóc 7.000 đồng/kg, được 1,4 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí giống, công làm đất, công tuốt lúa còn lại chẳng được bao. Bây giờ thả cá và nuôi vịt, mỗi hộ trong khu chuyển đổi lãi cả triệu đồng một ngày.

Không chỉ giỏi chăn vịt, thôn Châu Mai còn có 120 hộ làm nghề ấp trứng, công suất 16-18 nghìn quả/lò, tính ra, mỗi lứa ấp (18 ngày), cả làng cung cấp ra thị trường 1.300.000 quả trứng. Mỗi lò ấp trứng lại kéo theo 10 lao động đi chợ trứng. Cả xã, gần như 100% hộ có thu nhập ổn định nhờ nghề trứng. Nhờ có nghề này, Châu Mai không có người dân nào thất nghiệp.

Xây dựng thương hiệu

Ông Đào Quang Tư nhẩm tính, lúc mới ra khu chuyển đổi, gia đình ông phải đầu tư rất nhiều. Bao công sức bỏ ra đào ao, đắp bờ, làm chuồng trại, rồi mua sắm dụng cụ, tiền đổ vào đó hết 300 triệu đồng. Nay khu đồng này đã cho thu nhập ổn định. Song người chăn nuôi ở Liên Châu vẫn chưa thực sự hết khó khăn. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, cần phải có thêm vốn, tuy nhiên đi lên từ nông nghiệp, đồng vốn cho sản xuất có hạn, không ít hộ phải đi vay lãi để đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn, giúp các hộ dân đầu tư vào vùng chuyển đổi để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân Quỹ Khuyến nông đợt 1 cho 12 hộ dân vùng chuyển đổi ở Châu Mai, với số tiền lên tới 4,8 tỷ đồng. Vẻ mặt rạng ngời, ông Tư cho hay, sau khi được vay vốn, gia đình sẽ cải tạo lại khu chăn nuôi cho quy củ hơn và mua thức ăn dự trữ cho cá và vịt. "Trước đây, thức ăn cho cá và vịt thường mua theo ngày, theo tuần vì không có vốn.

Nay được vay tiền không lãi suất, gia đình sẽ mua thóc tích trữ và như vậy, giá thức ăn sẽ hạ hơn so với đong lẻ" - ông Tư nhẩm tính. Còn ông Đào Bá Đạt chia sẻ, với số tiền được vay 300 triệu đồng, gia đình sẽ mua thêm 1 máy ấp trứng để bán trứng vịt lộn và mua thêm 2.000 con vịt đẻ, mở rộng quy mô.

Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ cho biết, sau thành công dồn điền, đổi thửa vào năm 1997, xã Liên Châu đã hình thành hơn 80 trang trại kết hợp. Đáng chú ý, 110ha ruộng ở các cánh đồng trũng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh, nay đã hình thành khu trang trại kết hợp thả cá, chăn vịt, cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2013, Liên Châu đã trở thành một trong 8 vùng được ngành nông nghiệp Hà Nội xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện xã đang xúc tiến xây dựng thương hiệu trứng vịt lộn thôn Châu Mai. Khi có thương hiệu, chắc chắn sản phẩm trứng vịt lộn của thôn sẽ được nhiều người biết đến.


Có thể bạn quan tâm

Người Chăn Nuôi Kiệt Sức Người Chăn Nuôi Kiệt Sức

Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

14/05/2013
Nhà Vườn Châu Thành Bước Đầu Thành Công Trong Việc Phòng Trừ Sâu Đục Trái Ở Đồng Tháp Nhà Vườn Châu Thành Bước Đầu Thành Công Trong Việc Phòng Trừ Sâu Đục Trái Ở Đồng Tháp

Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Đồng Tháp), toàn huyện có trên 1.200 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích bưởi bị sâu đục trái là 52ha (chiếm 40% diện tích), hiện tượng xì mủ do sâu đục trái cũng đã lây lan qua nhiều loại cây có múi khác như: cam sành, chanh, quýt. Trước thực trạng này, nhiều nhà vườn đã áp dụng biện pháp bao trái để phòng trừ và bước đầu đã thành công.

14/05/2013
Châu Phi - Miền Đất Hứa Cho Thủy Sản Việt Nam Châu Phi - Miền Đất Hứa Cho Thủy Sản Việt Nam

Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua

17/05/2013
Tắc Đầu Ra Cho Nghêu Ở Xã Phú Hải (Quảng Ninh) Tắc Đầu Ra Cho Nghêu Ở Xã Phú Hải (Quảng Ninh)

Thời điểm này ở Quảng Ninh, tại khu vực bãi triều thôn Nam, mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nghêu nhưng đến đây chúng tôi thấy chỉ có lác đác một số hộ thu với số lượng nhỏ để bán lẻ tại các chợ, một số hộ khác đang nhặt ngao chết, nghêu quá lứa để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt.

21/05/2013
Thu Tiền Tỷ Từ Trang Trại Thu Tiền Tỷ Từ Trang Trại

Hơn 20 năm trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến, ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè… Và ông đã trở thành tỷ phú được nhiều người biết đến.

21/05/2013