Làng Tôm Hùm Xuất Khẩu

Nhờ nuôi tôm hùm xuất khẩu, gần 3.000 hộ dân ở Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình từ hai bàn tay trắng đến nay có thu nhập tới cả tỷ đồng.
Nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu ở vịnh Xuân Đài bắt đầu từ năm 1990, đến nay toàn Thị xã Sông Cầu có gần 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản gồm tôm hùm, cá chẽm, cá mú và hàu với hơn 14.000 lồng, bè, trong đó hơn hai phần ba số hộ dân nuôi tôm hùm xuất khẩu, tương đương 1.000ha.
Trung bình mỗi lồng nuôi tôm có diện tích khoảng 9m2, cao gần 2m có gắn ống nhựa dài khoảng 4m nằm giữa những ô lồng, bè làm bằng phuy nhựa cách mặt nước sâu khoảng 2m.
Sau khi gia công lồng sắt ở trong bờ hoàn tất, ngư dân nơi đây bắt đầu đưa ra vịnh Xuân Đài thả xuống biển bắt đầu vụ nuôi tôm hùm. Ông Nguyễn Hải Anh ở phường Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu cho biết, Vịnh Xuân Đài kín gió quanh năm, môi trường nước ổn định nên thích hợp với việc nuôi tôm xuất khẩu. Vụ nuôi tôm hùm thường kéo dài khoảng 14 tháng, sau đó thu hoạch bán cho thương lái mang đi xuất khẩu.
Gắn bó với nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu từ năm 2009, ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, Thị xã Sông Cầu hiện có 120 lồng nuôi thương phẩm và 40 lồng ươm tôm giống. Theo ông Quang, muốn nuôi tôm hùm đạt hiệu quả phải chọn vùng nước sạch, độ mặn cao. Nơi nước có dòng chảy thì lồng bè nuôi thông thoát, tôm giống có tỷ lệ sống cao.Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Quang có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu.
Hàng ngày các hộ nuôi tôm nơi đây thường cho tôm ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối qua đường ống nhựa gắn với lồng nuôi ló trên mặt biển giữa lồng bè. Thức ăn cho tôm hùm chủ yếu là cá, hàu, sò, vẹm và tôm tít, cua ghẹ băm nhỏ.
Từng có thâm niên 20 năm nuôi tôm hùm xuất khẩu, ông Lâm Khắc Huynh ở phường Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu cho biết, nuôi tôm ở vùng này khi xảy ra bão gió không phải di chuyển lồng bè. "Nhờ nuôi tôm hùm nhiều gia đình từ hai bàn tay trắng nay đã trở thành tỷ phú xây nhà lầu, mua xe hơi, nuôi con cái ăn học đàng hoàng", ông Huynh thổ lộ.
Thống kê của Phòng kinh tế Thị xã Sông Cầu, trung bình mỗi năm người dân nuôi tôm hùm nơi đây thu hoạch khoảng 500 tấn thương phẩm và ươm nuôi cung ứng thị trường miền Trung khoảng 300.000 đến 400.000 con tôm giống, tổng doanh thu gần 600 tỷ đồng.
Theo giá cả thị trường hiện nay, một kg tôm hùm thương phẩm có giá từ 1,7 đến 2 triệu đồng, mỗi hộ dân nơi đây thu lãi ít nhất 150 triệu đồng và nhiều nhất lên đến 2 tỷ đồng nhờ nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu.
Bên cạnh nuôi tôm hùm xuất khẩu, nhiều hộ dân địa phương còn mở rộng nuôi hàu, cá mú, ốc hương mang lại thu nhập cao cho kinh tế gia đình với tổng nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 3-2014, từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, 20 hộ dân ở xã Sông Khoai (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn tham gia dự án “Mở rộng mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp”. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Kiên Giang để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Theo nhiều người dân, chưa có lúc nào các loại cá đồng ở Hậu Giang lại cao như thời điểm hiện nay. Cụ thể, giá cá lóc loại lớn lên đến 120.000 đồng/kg, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ; cá trê vàng từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg. Các loại cá khác, cua, ếch đều tăng cao so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý, mọi năm thường vào thời điểm này cá đồng được bày bán tại các chợ khá nhiều, nhưng năm nay nhiều điểm chợ không thấy bán cá đồng, hoặc có thì đa phần chỉ là cá nhỏ.

"Chỉ việc thả những chiếc bóng xuống lòng biển để dụ mực lá vào đẻ trứng, thế là có thu hoạch”, ngư dân Đặng Văn Tý - tổ dân phố Hòa Do 5B (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) chia sẻ về công việc bẫy mực, khiến chúng tôi không khỏi tò mò về cái nghề tưởng như làm chơi ăn thật này.
Với vị trí đầu nguồn, người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã biết khai thác nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá ba sa… Thời gian qua, yếu tố cung cầu của thị trường xuất khẩu bất lợi khiến giá các loại thủy sản này không còn sức hấp dẫn. Trước tình hình mới, anh Trương Văn Điền (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) quyết định tìm hướng đi riêng với mô hình nuôi cá lăng nha.