Làng rau trái vụ

Trồng rau xanh ở Điền Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mua tận chân ruộng
Những độn cát mênh mông một thời giờ đã trở thành vùng đất trù phú cho các loại rau trái vụ ở xã Điền Lộc.
Khi mà các xứ đồng chính vụ vào mùa mưa đã ngập nước không sản xuất được thì ở vùng cát thôn Nhất Đông, Nhì Đông được bà con nông dân đưa vào sản xuất các loại rau xanh cho thu nhập cao.
Con đường bê tông vừa mới xây dựng dẫn ra vựa rau hằng những ngày tấp nập bà con nông dân gồng gánh, vận chuyển giống, phân bón ra làm đất, chuẩn bị xuống vụ.
Ông Lê Thiền, một hộ dân trồng rau cho biết: “Trước đây ruộng chỉ làm được một vụ, lúc nông nhàn bà con thường chuyển sang các nghề khác.
Từ năm 2000 đến nay, trồng rau trên cát trái vụ bắt đầu phát triển mạnh.
Hộ gia đình tui cũng tiên phong lên các độn cát để sản xuất, giờ có thu nhập cũng tạm ổn”.
Với việc đa dạng hóa các loại cây trồng, khai hoang mở rộng thêm diện tích, trồng cuốn chiếu, tăng 2 vụ/năm, hiện tại ông Thiền nằm trong “tốp” những hộ dân thu nhập 300 triệu đồng/năm từ cây rau.
Ông Hồ Ty, một hộ dân cũng phấn khởi: “Trồng rau trên cát lãi gấp mấy lần trồng lúa.
Cứ bình quân mỗi sào thu hoạch bán được 8 - 10 triệu đồng.
Rau được thương lái mua ngay chân ruộng, không phải lo tìm đâu ra.
Rau trái vụ tại Điền Lộc theo thương lái đã có mặt khắp vùng Ngũ Điền, lên tận TP.
Huế và ra tỉnh Quảng Trị.”
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc thông tin: “Đến nay toàn xã đã có gần 40ha diện tích rau trên cát, với hơn 300 hộ dân tham gia.
Vào vụ thu hoạch, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 150 - 170 triệu đồng; trong đó, có 30% số hộ dân đạt tốp thu được 300 triệu đồng/năm từ sản xuất rau trái vụ”.
Hướng đến rau an toàn
Trồng rau trên cát ở Điền Lộc đã thực sự mở ra một hướng sản xuất mới, hiệu quả của địa phương.
Ông Hoàng Trai, Bí thư Đảng ủy xã Điền Lộc khẳng định: “Trong tương lai, xã sẽ quy hoạch vùng rau phát triển lên 60 ha.
Việc phát triển vựa rau trên cát không chỉ góp phần tăng thu nhập của người dân mà còn tận dụng đất đai, cải tạo môi trường bởi xưa nay, vùng trảng cát vốn là vùng đất hoang hóa.
Nhờ trồng rau, địa phương đã giải quyết được hàng trăm lao đông nông thôn lúc nông nhàn”.
Bước vào vụ năm nay, từ nguồn vốn phát triển chương trình khuyến nông của huyện Phong Điền, xã Điền Lộc được hỗ trợ kinh phí đào giếng lấy nước tưới, đầu tư hệ thống nước tự phun, 5 hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống để sản xuất thí điểm 0,3 ha rau theo mô hình VietGap.
Để hướng đến vùng sản xuất rau xanh bền vững, Hội Nông dân xã Điền Lộc đã thành lập Câu lạc bộ trồng rau xanh nhằm hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cũng như nắm bắt khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường.
Để hướng tới sản xuất bền vững, Điền Lộc đang thuê nhà tư vấn đo đạc tại hai thôn Nhất đông, Nhì Đông để quy hoạch vùng trồng rau an toàn kết hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cát.
Xã cũng đầu tư lưới điện kéo đến vùng rau màu trên cát, xây dựng hệ thống tưới tiêu giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Vừa qua, Điền Lộc cũng đã tranh thủ nguồn vốn của huyện để đầu tư con đường bê tông dài 150m, rộng 2,5m và sẽ đầu tư thêm 600m nữa dẫn ra tận các trảng cát, kéo hệ thống điện ra để người dân thuận lợi trong việc chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch.
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định: “Trong định hướng của xã, vùng rau trên cát sẽ được mở rộng diện tích mà trước mắt là quy hoạch vùng Bàu Ró.
Khu vực này có điều kiện sản xuất rau trái vụ khá thuận lợi, dồi dào nguồn nước, trước đây đã đưa vào sản xuất 10 ha, dự kiến sẽ trồng thêm 30 - 40 ha trong những năm tới”.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, cần cù chịu khó, bám đất bám vườn để làm ăn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì từ năm 2010, đơn vị đã thực hiện một số mô hình trình diễn trồng cây mắc ca để khảo nghiệm loại cây trồng mới được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).