Làng Rau 500 Tuổi Hối Hả Vào Vụ Tết

Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.
Cách TP.Hội An khoảng 2km về phía đông bắc, làng rau Trà Quế nằm nép mình dưới những bóng cau già. Theo nhiều nông dân, làng rau có diện tích 18ha với gần 500 năm tồn tại, có khoảng 200 hộ tham gia trồng hơn 30 loại rau khác nhau. Nhờ tiếp xúc với phương pháp trồng rau an toàn, nông dân nơi đây không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu mà chỉ bón rau bằng rong vớt từ sông Đế Võng nằm cách làng vài bước chân. Nhờ vậy, vựa rau Trà Quế nổi tiếng khắp vùng về việc xuất bán rau sạch và cả độ tuổi tồn tại lâu đời.
Bà Nguyễn Thị Lợi (83 tuổi, một người dân làng rau) cho biết: “Bên cạnh khâu chăm sóc rau an toàn, khâu làm đất và trồng từng loại rau thích hợp tùy vào những thời điểm khác nhau trong năm rất quan trọng. Tháng Chạp là thời điểm trồng được nhiều loại rau nhất, đảm bảo chất lượng và sản lượng cao nhất trong năm”.
Cận Tết Nguyên đán, cả làng rau tràn ngập sắc màu của rau, hoa đủ loại. Ngoài những cây rau chủ lực như rau thơm, rau quế, xà lách, ngò, diếp cá thì các loại cải, hành, rau răm, ngò gai… cũng được trồng chuẩn bị cho dịp tết. Thời điểm này, bà con trồng rau bắt đầu thu hoạch với số lượng ít để thăm dò giá cả thị trường. “So với năm ngoái thì vụ rau tết năm nay, chúng tôi thu hoạch muộn hơn 1 tháng vì có tháng nhuận.
Vì thế thời tiết có sự thay đổi thất thường ảnh hưởng không tốt đến rau” - ông Nguyễn Văn Trung (40 tuổi) cho biết. Theo bà con, thời gian cách tết 10 -15 ngày, bao giờ rau cũng bị rớt giá nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên, những ngày gần với ngày 30 tết, giá rau sẽ lên cao và bán rất chạy.
Ông Nguyễn Sẻ (thôn Trà Quế) nói: “Rau húng thời điểm này có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, xà lách là 15.000 đồng/kg, mồng tơi 15.000 - 20.000 đồng/kg… Dù giá rau đang có phần giảm nhẹ nhưng theo chu kỳ thì vào những ngày giáp tết lượng cầu tăng nên giá rau sẽ tăng theo, bà con nông dân ở đây chỉ mong sao thời tiết nắng ấm để rau đạt chất lượng”.
Ông Ngụy Như Mười - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Vào dịp tết, lượng rau Trà Quế xuất bán tăng từ 2,5-3 tấn/ngày. Hy vọng thời gian đến giá rau sẽ tăng để bà con nông dân làng Trà Quế có cái tết sung túc hơn”.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, nông dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm, người nông dân phải gánh chịu nhiều thua lỗ…

Để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM) chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả thấp sang hiệu quả cao, UBND huyện Hóc Môn đã thực hiện chương trình chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau có giá trị cao, cung cấp sản phẩm rau an toàn cho thị trường thành phố.

Tỉnh An Giang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu do Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đầu tư liên kết, hợp tác với nông dân trồng rau màu trong tỉnh, đã góp phần nâng giá trị sản xuất, khai thác đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, và tạo được nguồn hàng phong phú phục vụ cho xuất khẩu.

Điểm mới nhất của chương trình sản xuất hàng hóa chất lượng cao (CLC) năm 2015 là việc TP Hà Nội chuyển giao về các huyện triển khai. Hiệu quả của chương trình trong 5 năm qua đã trở thành động lực thúc đẩy các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích với nhiều giống lúa cho năng suất và chất lượng hơn.

Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như để duy trì sản xuất trong mùa khô hạn, nhiều nông dân ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhờ đó nhiều diện tích đất trước đây vào mùa khô thường bỏ hoang hoặc cho năng suất cây trồng thấp, nay đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả.