Làng nghề ế ẩm sản vật khan hiếm

Làng nghề hắt hiu...
“Chưa thấy năm nào nước lũ kém như năm nay.
Mọi năm, cứ hễ vào rằm tháng 7, tháng 8 âm lịch, tàu ghe các tỉnh về đậu kín cả bến sông chờ lấy hàng.
Mỗi đầu mối lấy ít nhất cũng vài trăm đến cả ngàn cái lọp.
Năm nay thì lâu lâu mới có người đến lấy, được vài ba chục lọp đã là vui lắm rồi” - bà Ba Thắm, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang buồn giọng.
Các hộ đóng xuồng ghe ở làng nghề đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang) đều rơi vào cảnh ế ẩm ngay trong mùa nước nổi.
Còn ông Đỗ Văn Hoàng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Hòa cho biết: “Ấp có hơn 60 hộ, với hơn 200 lao động tham gia làm lọp cua.
Thường thì trước mùa nước nổi vài tháng, trung bình mỗi hộ làm từ 1.000 – 2.000 cái lọp để bán dần trong mùa nước nổi”.
“Mọi năm, thương lái ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… thậm chí là nước bạn Campuchia cũng đến đây đặt hàng, làm không xuể.
Còn năm nay thì làng trên xóm dưới vắng hoe...” - ông Hoàng thông tin.
Ông Hoàng cho biết thêm, ngoài ế ẩm đơn đặt hàng, hàng trăm lao động nơi đây, mỗi người còn mất đứt vài trăm ngàn đồng mỗi ngày từ nghề đi đặt lọp cua, tép trong mùa nước nổi.
Ông Bảy Nê (đến từ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), một nông dân chuyên đánh bắt cá mùa nước nổi cho biết: “Mọi năm, ba tháng mùa nước, năm nào kém lắm cũng được 3 - 4 triệu đồng.
Năm nay trắng tay rồi.
Tui già rồi còn bám lại đây chứ mấy đứa trẻ đã bán hết xuồng, lưới để đi Bình Dương để tìm việc làm ở các khu công nghiệp hết trơn”.
Ông Nê còn cho biết thêm, thanh niên tại Tân Lập, Vĩnh Trung, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) giăng lưới vài ngày chẳng có cá nên cũng bán hết đồ nghề để qua Bình Dương kiếm việc làm.
Tại hộ ông Út Ngò (xóm Mỹ Hòa, phường Mỹ Hòa, TP.
Long Xuyên, tỉnh An Giang), một gia đình với 4 thế hệ cùng sản xuất lưỡi câu nổi tiếng nhưng mới hơn 3 giờ chiều mà mọi người đã dẹp hết đồ nghề quay lưỡi câu.
Khi hỏi vì sao, chị Kim Yến, con ông Út Ngò giãi bày: Mọi năm gia đình thuê cả chục nhân công làm hàng.
Năm nay chẳng thuê ai, 4 người trong gia đình làm cầm chừng đủ bán mỗi ngày chưa tới 4.000 lưỡi, thu nhập chẳng được là bao.
“Kiểu này năm nay chắc là cụt vốn luôn” - chị Yến than thở.
Vựa cá thiếu… cá
" Cần phải hiểu rõ bản chất của mùa nước nổi để phát huy tối đa lợi thế của nó.
Rõ ràng, khi mùa nước nổi không về, chúng ta mới thấu tỏ những lợi ích to lớn mà nó mang lại.
Mỗi năm, mùa nước nổi mang lại cho giá trị hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn”. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
“Chợ Mỹ Bình (phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên), mọi năm, giờ này mua hàng mùa nước nổi thứ gì cũng có.
Năm nay, cái có cái không mà giá thì cao ngất ngưởng.
Bông súng đồng 30.000 đồng/bó; cá lóc đồng 200.000 đồng/kg mà bữa có bữa không” - chị Nguyễn Ngọc Thúy, một khách đi chợ nói.
Chợ cá đồng dưới chân cầu Tha La (huyện Tịnh Biên, An Giang) năm nay vắng hẳn kẻ bán người mua.
Chợ xưa nay vốn nổi tiếng vì có nhiều loại cá đồng trong mùa cá ra sông (vào cuối mùa nước nổi) như: Cá lóc, rô, trê, lăng, éc, dãnh, chốt…
“Năm nào tui cũng ra đây mua cá dãnh về nạo thịt làm chả cá bán, mỗi lần mua cả trăm ký.
Mấy ngày nay ra đây đợi mua vì hy vọng trời sắp trở gió thì may ra có, nhưng tới giờ vẫn chưa thể mua được” – chị Năm Tiệm, thương lái ở thị trấn Nhà Bàn (huyện Tịnh Biên) cho biết.
Anh Tùng Lô (ngụ xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang), một thương lái chuyên mua bán cá mùa nước nổi qua lại biên giới cho biết: “Năm nay cá dãnh nhập về Việt Nam tăng mạnh.
Trước tới nay không có chuyện “ngược đời” này đâu vì bao giờ cá bên mình cũng nhiều hơn, rẻ hơn nên toàn xuất sang bên đó”.
Đêm nào cũng trực chiến tại dốc cầu Cây Dương (thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) để cân hàng của ngư dân đánh bắt và “lái” cá, anh Nguyễn Văn Sử cho biết: “Năm nay, lượng cá đồng giảm khoảng 40% so với những năm trước.
Vì thế giá các loại tăng vọt hàng chục ngàn đồng/kg (tùy loại)”.
Có thể bạn quan tâm

Thời kỳ đầu phát triển mắc ca, nông dân Trung Quốc cũng bị lúng túng trong lựa chọn giống, do thiếu hiểu biết nên rất nhiều diện tích trồng bằng giống thực sinh... Tôi chợt nghĩ bên đất nước mình, mắc ca trồng bằng cây thực sinh vẫn phổ biến, rồi đây những người nông dân đó sẽ phải trả giá đắt vì thiếu hiểu biết.

Do sản lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2015 sụt giảm, Việt Nam lại phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác nên từ nay đến cuối năm áp lực đè nặng lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là rất lớn.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn do Cục Hải quan Cao Bằng quản lý (Cao Bằng và Bắc Kạn) là gần 76 triệu USD, giảm 22,73% so với cùng kỳ.

Trong khi giá hành, tỏi ở nhiều địa phương rớt mạnh thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi kg tỏi cô đơn có giá đến 1,2 triệu đồng.

Lựa chọn rau sạch, rau an toàn cho mỗi bữa ăn khiến các bà nội trợ luôn lo lắng. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để rau không rõ nguồn gốc, nhiều người bắt đầu tìm đến giải pháp tự trồng rau xanh tại nhà.