Làng nghề đóng xuồng vào vụ

Mùa nước nổi năm nay, có dịp trở lại làng nghề đóng xuồng ở Rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), chúng tôi đã chứng kiến cảnh tất bật mua bán, sản xuất xuồng của một làng nghề có bề dày truyền thống đã tồn tại gần thế kỷ qua.
Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch, khoảng rằm tháng 5 trở đi là bán chạy, không kịp giao cho thương lái. Mỗi chuyến giao trung bình từ 50 - 70 chiếc.
Có chuyến, thương lái lấy trên 100 chiếc xuồng các loại để đem đi tiêu thụ khắp nơi. Đến cuối tháng 8 âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Những năm lũ lớn, nhu cầu đóng xuồng tăng cao để giao cho các hội, đoàn thể, cơ quan, tổ chức từ thiện... đặt đóng để cứu trợ cho người nghèo, việc đóng xuồng kéo dài cho đến tháng 10.
Ông Đặng Văn Kính chủ cơ sở đóng xuồng ở rạch Bà Đài bày tỏ: “Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, đã hành nghề đóng xuồng-ghe gần nửa thế kỷ qua nên đã từng chứng kiến bao cảnh thăng trầm của làng nghề này. Bây giờ, tuy đã có nhiều loại ghe-xuồng được sản xuất bằng nhựa composit nhưng người dân miệt sông nước Nam bộ vẫn ưa chuộng loại ghe-xuồng truyền thống bằng gỗ hơn. Bởi, loại xuồng gỗ vừa rẻ, vừa dễ sử dụng và khó bị lật chìm khi gặp sự cố”.
Tại xã Long Hậu hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ...
Vào mùa lũ, đông đảo cơ sở đóng xuồng bắt tay vào việc sản xuất nên đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận.
Xuồng ở rạch Bà Đài được đóng thành nhiều kiểu dáng như xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Bán chạy nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m - 6,5m giá bán dao động từ 1.700.000-2.000.000đ/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán từ 2,5 - 3 triệu đồng/chiếc.
Nhiều cơ sở đóng xuồng ở rạch Bà Đài cho biết: Trung bình một ngày đêm, người thợ sản xuất được 2 chiếc xuồng, tiền công mỗi chiếc cả trăm ngàn đồng. Ngoài ra, người thợ còn được bao luôn cơm, nước tại chỗ. Như vậy, mỗi người thợ có mức thu nhập trên 120.000đ/ngày...
Có thể bạn quan tâm

Quả Sachi được gọi là “vua của các loại hạt”, hay siêu thực phẩm mới, bởi nó có rất nhiều điểm vượt trội về hàm lượng chất dinh dưỡng.

Nhà máy chế biến các sản phẩm cá tra và tôm tinh chế tại KCN An Hiệp (Bến Tre), vốn đầu tư 15 triệu USD, công suất chế biến 10.000 tấn thành phẩm/năm.

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh đã hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên hoạt động nghề lưới vây mang tên Hải Cảng 01, số hiệu BĐ 99009.

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn xảy ra.

Hiện nay, các hộ nuôi tôm càng xanh trên vùng chuyển đổi lúa - tôm kết hợp của huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã xuống giống vụ nuôi chính trong năm. Tập trung nhiều ở các xã: Phước Long, Phong Thạnh Tây A, Vĩnh Phú Tây.