Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng Hoa Túc Duyên Vào Vụ Tết

Làng Hoa Túc Duyên Vào Vụ Tết
Ngày đăng: 01/12/2014

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nông dân phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đang tất bật xuống giống để chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2015. Nhiều năm trở lại đây, trồng hoa Tết đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Đến cánh đồng ở các tổ 22, 23, 24, phường Túc Duyên, chúng tôi thấy nông dân đang tất bật bên những luống hoa cúc, Lily, đồng tiền...

Người tỉa cành, người giăng mắc bóng điện, người tưới hoa, tất cả tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, tất bật. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy bà con tận dụng diện tích đất để trồng hoa. Nhìn những luống hoa cúc, hoa Lily mọc thẳng hàng tăm tắp với màu xanh trải dài mướt mát trông thật đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Phức, ở tổ 22, phường Túc Duyên cho biết: Vào vụ trồng hoa Tết, năm nào nhà tôi cũng trồng hoa Lily.

Giống hoa này có đặc điểm ít bị nhiễm sâu bệnh, không phải tưới nhiều và luôn bán đắt hàng hơn các loại hoa khác, nhất là hoa lily đỏ. Vụ này, nhà tôi xuống giống 7 sào, bao gồm cả giống Lily vàng, Lily đỏ và Lily hồng. 1 củ hoa lily giống có giá từ 15 đến 23 nghìn đồng, 1 sào nhà tôi đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng tiền giống.

Nếu thời tiết thuận lợi, sau 3 tháng sẽ được thu hoạch trung bình 40 nghìn đồng/cành, cho thu lãi 200 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nói về kinh nghiệm trồng hoa, bà Phức chia sẻ: Trồng hoa Lily, khâu quan trọng nhất là cây giống phải đảm bảo chất lượng, đất trồng phải được xử lý bằng vôi bột, phơi khô, làm sạch, loại bỏ đá sỏi.

Còn bà Vũ Thị Kim, ở tổ 22, phường Túc Duyên thì cho biết: Nhà tôi trồng 5 sào hoa cúc, 2 sào hoa huệ. Tôi chọn hoa cúc vì đầu tư không hết nhiều tiền giống, nhưng phải mất nhiều công chăm sóc. Ngày thì gánh nước, tỉa cành, bón phân, đêm thì thắp điện chiếu sáng, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoa từng ngày để có biện pháp can thiệp kịp thời sao cho hoa nở đúng dịp Tết thì bán mới được giá cao.

Vườn hoa cúc nhà tôi đã trồng được 20 ngày, hiện tôi đang căng lưới để cây mọc thẳng, không bị đổ khi ra hoa. Nếu thời tiết hanh khô, mỗi ngày tôi phải tưới 2 lần. Khi cây mới trồng, việc tưới nước phải nhẹ nhàng không để cho các lá gần gốc bị dính đất hoặc bùn.

Khi cây lớn cần tưới đủ ẩm, tuy nhiên, do cúc là loài hoa không có khả năng chịu úng nên tuyệt đối không để cúc bị ngập nước hoặc trồng ở nơi đất trũng. Để hoa to và nở đồng loạt, tôi thường xuyên tỉa bỏ các nụ và chồi bên. Với giá trung bình là 2.500 đồng/bông, 1 sào hoa cúc nhà tôi cũng cho thu lãi 50 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nghề trồng hoa đã có ở Túc Duyên được khoảng 20 năm. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng hoa cúc, hoa đồng tiền để bán vào dịp ngày rằm, mùng một thì nay đã có 300 hộ trồng hoa với diện tích 15ha, tập trung ở các tổ: 20, 21, 22, 23. Nếu như trước đây, người dân phải đi các nơi khác để mua giống hoa thì giờ bà con đã có thể tự sản xuất được giống hoa cúc với đủ các loại như: cúc pha lê, cúc đại đóa, cúc vàng hòe...

Hiện nay, đa số giống cúc đang trồng đều là do các hộ dân tự sản xuất. Trước khi bán hoa, người dân giữ lại một khoảnh nhỏ để dưỡng gốc ươm giống. Khi chọn được những cây giống to, khỏe mạnh thì cắt ngang thân cây chỉ chừa lại phần gốc. Sau đó, tiếp tục nuôi dưỡng cây đến khi có nhánh con, cắt những nhánh, ngọn non đem ủ thuốc, rải phân và cắm xuống đất. Sau khoảng 15 ngày chờ ngọn non tự mọc rễ là có cây giống mới, có thể đem trồng.

Trước đây, người trồng hoa Túc Duyên chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết thì nay bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: thắp điện, che lưới, tưới nước... để cho hoa nở đúng thời điểm. Bên cạnh những loại hoa bình dân như cúc, đồng tiền, huệ..., người dân cũng đã năng động hơn trong việc lựa chọn các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: Tuylip, Lily, Loa kèn… để gieo trồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì thế, vào thời điểm thu hoạch, làng hoa Túc Duyên luôn có nhộn nhịp tư thương đến đặt mua.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức 2 lớp tập huấn về cách chăm sóc hoa và rau màu cho hơn 100 lượt người tham gia; đồng thời, chỉ đạo các hợp tác xã trên địa bàn chủ động bơm nước từ sông Cầu lên các ao, hồ để người dân có nước tưới hoa, rau màu thường xuyên.

Vào buổi tối, chúng tôi còn chỉ đạo các tổ an ninh đi tuần tra, kiểm soát, đề phòng tình trạng mất cắp dây diện thắp sáng hoa của bà con. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.

Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/lang-hoa-tuc-duyen-vao-vu-tet-222425-108.html


Có thể bạn quan tâm

Thành công nhờ liên kết trong sản xuất Thành công nhờ liên kết trong sản xuất

5 năm qua, hàng ngàn lượt hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, Khánh Hòa được đánh giá là một trong số ít tỉnh huy động và sử dụng vốn Quỹ HTND hiệu quả nhất nước.

14/09/2015
Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa

Không chỉ hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa hoang hóa, anh Lò Văn Nghĩ (bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La) còn trực tiếp hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn bằng chính mô hình trang trại của mình.

14/09/2015
Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân

Dù chỉ là giống gà ta bình thường chứ không phải loại quý hiếm như gà Tò "tiến vua" ở Quỳ Phụ (Thái Bình) nhưng cặp gà gồm 1 trống, 1 mái của bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) vẫn có lông phủ từ khuỷu đến tận bàn chân.

14/09/2015
Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây

Nhiều cơ sở thu mua sầu riêng tại Đăk Lăk vừa bị phát hiện dùng hóa chất tẩm cho sầu riêng chín nhanh, đều. Chưa biết tác hại thực sự của việc làm này đến đâu, song rõ ràng đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Đăk Lăk.

14/09/2015
Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu

15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.

14/09/2015