Làng Chuối Tịnh Hà Sau Cơn Bão

Sau vụ việc cơ sở thu mua chuối ngâm hóa chất của ông Hoàng Phú Tới bị xử phạt, người trồng chuối ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) lại bắt đầu một mùa chuối mới với đầy hy vọng. Tuy vậy, nỗi lo mất mùa vẫn đè nặng lên người trồng chuối nơi đây.
Chuối nảy mầm với đầy hy vọng
Sau khi cơ sở thu mua chuối của ông Hoàng Phú Tới đã bị xử phạt hành chính và tiêu hủy toàn bộ số hóa chất dùng để ngâm chuối, chúng tôi lại tìm đến xã Tịnh Hà để tìm hiểu cuộc sống của người dân trồng chuối nơi đây sau “cơn bão”.
Toàn xã Tịnh Hà có 50ha đất trồng chuối, đây được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh. Năm nay hơn 600 hộ ở xã lại bắt tay vào trồng chuối. Nổi tiếng trồng hàng nghìn cây chuối có hộ ông Đỗ Thiên, Đỗ Tề, Phan Khắc Truyền ở xóm 9 (thôn Thọ Lộc Đông). Tuy trong vườn vẫn còn nhiều buồng chuối lơ lửng nhưng ông Đỗ Tề đã bắt đầu bón phân, làm cỏ cho hơn 2.000 gốc chuối. Ông Đỗ Tề vừa xới đất vừa tâm sự: “Dân ở đây chỉ biết trồng chuối, ngoài cây chuối ra chúng tôi chưa biết làm cây gì khác".
Dù năm nay, người trồng chuối ở Tịnh Hà phải chịu cảnh lao đao, nhưng số lượng chuối được trồng mới ở Tịnh Hà vẫn không giảm. Nhiều hộ còn mạnh dạn đi vay tiền để mở rộng diện tích với hy vọng một năm "thuận buồm xuôi gió".
Ông Phan Khắc Truyền trầm ngâm: “Bây giờ người dân ăn chuối trở lại rồi, giá chuối cũng đã tăng lên ít nhiều. Người trồng chuối ở đây đã lấy lại được hy vọng. Mặc dù trải qua nhiều “cơn bão” và giá cả bấp bênh chúng tôi vẫn phải tiếp tục bám cây chuối. Vì biết đâu năm tới nhờ chuối mà trả được nợ".
Nhưng còn đó những nỗi lo
Ông Đỗ Thiên cho hay: “Cách đây một năm có tin đồn ăn chuối bị ung thư. Năm nay, là phát hiện vụ chuối ngâm hóa chất. Cứ gần thu hoạch lại có tin đồn thổi làm người dân trồng chuối điêu đứng. Tiền của đều dồn hết vào cây chuối, nếu xảy ra nữa thì những người trồng chuối như chúng tôi không biết bám víu vào đâu".
Đợt vừa rồi, vì cây chuối mà nhiều nhà lâm vào cảnh nợ nần. Nhà ông Đỗ Tề trồng hơn 2.000 gốc chuối, nhưng khi gần thu hoạch, thương lái hủy bỏ đơn đặt hàng vì tin đồn chuối ngâm hóa chất. Ông Tề bức xúc: “Nợ cũ vẫn chưa trả, nợ mới lại đè lên. Chạy vạy đủ nơi mới có hơn 50 triệu đồng bỏ vào cây chuối coi như mất trắng. Chuối bán không đủ trả nợ. Vừa rồi phải bán rẻ, bán tháo để có tiền trả tiền điện, phân chứ lời thì tôi không mơ tới”.
Ông Nguyễn Kỳ Mên - Trưởng ban Mặt trận thôn Thọ Lộc Đông cho biết: “Cây chuối chính là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, giúp nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đã động viên bà con không bỏ nghề và tạo điều kiện cho các hộ trồng chuối vay vốn để sản xuất”.
Cuộc sống của người dân Tịnh Hà hàng chục năm nay hầu như dựa vào cây chuối. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với đầy hy vọng, nhưng trong niềm hy vọng vẫn còn lắm nỗi lo âu…
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/lang-chuoi-tinh-ha-sau-con-bao-2356101/
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.

Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…

Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.

“Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phát triển trồng trọt, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đã chuyển đổi thành công nhiều bộ giống cây trồng mới với năng suất, chất lượng vượt trội; phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của các địa phương. Qua đó nâng cao sản lượng lương thực, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa”. Đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh.