Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng Bò Lai Vĩnh Thọ (Bình Định)

Làng Bò Lai Vĩnh Thọ (Bình Định)
Ngày đăng: 12/03/2014

Theo số liệu điều tra mới đây của Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), thôn Vĩnh Thọ có đến 98% số hộ chăn nuôi bò, trong đó tỉ lệ bò lai trong thôn chiếm 97% tổng đàn.

Theo ông Nguyễn Nghiêm, Trưởng thôn Vĩnh Thọ: Cũng như nhiều địa phương khác ở miền núi, đời sống của người dân Vĩnh Thọ trước đây hết sức khó khăn do diện tích đất nông nghiệp ít, trình độ sản xuất kém, thu nhập hằng năm thấp.

Từ hơn chục năm trở lại đây, người dân đã phát triển mạnh phong trào chăn nuôi bò lai và bước đầu đã có được nguồn thu nhập ổn định. Toàn thôn có 161 hộ thì có đến 157 hộ chăn nuôi bò, hộ nuôi ít nhất cũng vài ba con, hộ nuôi nhiều gần 40 con. Tổng đàn bò trong thôn tại thời điểm này là 585 con.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết: Từ chỗ tỉ lệ bò lai không quá 10% vào năm 1995, nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò, Vĩnh Thọ hiện có tỉ lệ bò lai vào hàng cao nhất huyện.

Ở Vĩnh Thọ, việc chăn nuôi bò lai không chỉ được quan tâm đến việc tạo giống mà bà con đã chú ý đến quy trình chăn nuôi bán thâm canh, ngoài thức ăn xanh trên đồng bãi, bà con đã bổ sung thêm thức ăn tinh tại chuồng để bò có điều kiện phát huy ưu thế lai, và đây cũng là nền tảng để Vĩnh Thọ phát triển chăn nuôi bò thịt năng suất cao nhiều năm qua.

Ông Phạm Văn Mãi bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 1990, lúc đầu chỉ chăn nuôi vài ba con để lấy phân bón ruộng. Từ năm 1997 huyện Vĩnh Thạnh triển khai chương trình lai tạo đàn bò, ông đầu tư nuôi bò lai.

Trong gần 10 năm qua, đàn bò của gia đình ông ổn định từ 25 đến 30 con, trong đó luôn có ít nhất 10 con bò cái nền mỗi năm sinh sản chục con bê, sau 7 tháng nuôi mỗi con bê có giá khoảng 10 triệu đồng. “Bây giờ nhu cầu bò thịt cũng rất lớn nên việc bán bò cũng chẳng khó khăn gì. Mỗi năm tui bán chừng 10 con nghé và vài con bò thịt, thu về từ 150 - 170 triệu đồng” - ông Mãi nói.

Ngoài nguồn thu từ bán bò, người dân còn làm phân chuồng bón cây và bán cho người làm vườn. “Nếu nuôi bò đàn thì nguồn phân bò cũng đem lại thu nhập đáng kể. Với đàn bò chừng 10 con trở lên thì mỗi tháng tiền bán phân bò cũng được vài triệu, đủ chi phí thuê người chăn thả” - ông Mãi nói thêm.

Hiện nay rất nhiều hộ trong thôn đã có mức thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò lai. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò lai. Có thể nói việc phát triển mạnh phong trào chăn nuôi bò lai ở thôn Vĩnh Thọ đã góp phần tích cực để ổn định đời sống của bà con ở đây.

Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Phát triển đàn bò, đặc biệt là nâng cao tỉ lệ bò lai là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Đây là một trong những hướng sản xuất phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và quan trọng là có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trong đó thôn Vĩnh Thọ là một điển hình trong phong trào chăn nuôi bò lai của huyện Vĩnh Thạnh và là một điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tôm Giảm Mạnh Khiến Nông Dân Ở Cà Mau Lao Đao Giá Tôm Giảm Mạnh Khiến Nông Dân Ở Cà Mau Lao Đao

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP) cho biết hiện nay, người nuôi tôm trong tỉnh đang lo lắng vì giá tôm giảm mạnh so với cuối năm 2013.

13/05/2014
Đà Lạt Khan Hiếm Thịt Heo Đà Lạt Khan Hiếm Thịt Heo

Tại chợ trung tâm Đà Lạt mỗi ngày tiêu thụ 25-30 tấn thịt heo, nhưng mấy ngày nay tiểu thương không có thịt để bán do các lò mổ ngừng hoạt động.

13/05/2014
Lao Đao Vì Tu Hài Lao Đao Vì Tu Hài

Thời gian gần đây, các hộ nuôi tu hài ở phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng vì tu hài chết hàng loạt. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm.

14/05/2014
Nghệ An Phát Triển Nghề Nuôi Thủy Sản Nghệ An Phát Triển Nghề Nuôi Thủy Sản

Những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt truyền thống, người dân Nghệ An đã từng bước đưa vào nuôi trồng và khai thác các đối tượng thủy đặc sản biển như như hàu, ngao, cua biển, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò... Thành công của các mô hình trên không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc phát triển nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.

14/05/2014
Ươm Tôm Con Trước Khi Nuôi Mô Hình Hiệu Quả Ươm Tôm Con Trước Khi Nuôi Mô Hình Hiệu Quả

Trước tình hình nuôi tôm nước lợ những năm gần đây bị thua lỗ, người dân đang đối mặt với những khó khăn thì người nuôi tôm ở xã Đức Minh (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã nuôi tôm theo mô hình ươm tôm con trước khi thả hồ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng mừng.

14/05/2014