Làm Trang Trại Xanh

Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trồng các loại đặc sản quýt đường, cam xoàn, sầu riêng, măng cụt tại ấp 4, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một nông dân có nhiều ý tưởng mới vì không ngại thử nghiệm những mô hình mới và là người đam mê sáng chế, tự cải tiến, chế tạo nhiều máy móc, dụng cụ trong nông nghiệp.
Làm trang trại ngay từ đầu ông đã học theo mô hình trang trại của các nước hiện đại, làm nông thân thiện với môi trường và sản phẩm an toàn. Riêng cây xoài của trang trại ông Minh đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
* Không lãng phí dù một tấc đất
Đưa tôi đi thăm trang trại cây ăn trái rộng 15 hécta phủ kín các loại cây đặc sản, cây nào cũng xanh tươi mơn mởn, ông Minh giới thiệu: “Tôi phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ bền vững. Hàng năm, tôi sử dụng cả trăm tấn phân chuồng tự ủ và các loại phân hữu cơ nhập khẩu với tiêu chuẩn cao. Chính vì vậy, tôi có những khu vực trồng quýt đã 12 năm nhưng sức cây vẫn bền, cho trái sai, chất lượng tốt”.
Ông không để lãng phí một tấc đất nào. Dọc các trụ hàng rào, ông trồng cây chanh vừa cho thu nhập, vừa là lớp rào tự nhiên bảo vệ vườn. Ông xen canh lứa quýt mới trong vườn quýt lâu năm để khi cưa bỏ lứa quýt già là được thu lứa mới. Ông Minh chia sẻ: “Quê tôi ở miền Trung đất hẹp, 17 tuổi tôi phiêu bạt vào vùng đất Phú Lý heo hút này với khát vọng có được mảnh đất của riêng mình. Khi vào đây, tôi tự đi khẩn hoang được hơn 10 hécta đất rẫy để trồng lúa”.
Vài năm sau, mảnh đất ông khai phá chìm trong nước khi dự án thủy điện Trị An được triển khai. Ông tích góp mua được vài hécta đất đồi để xây nhà, trồng chuối rồi một lần nữa trắng tay khi chuối vừa trổ buồng thì khu vực này cũng bị ngập khi quy hoạch thủy điện lần 2. Hết đất, ông chuyển qua mua gạo, rau, nông sản về cho vợ mang ra chợ bán, dần dần mở được cửa hàng tạp hóa rồi chuyển sang kinh doanh vật tư nông nghiệp. Có những năm ông lặn lội sang tận tỉnh Bình Phước thuê đất trồng mì. Ông từng bị sốt rét rừng, tháng nào cũng nhập viện nhưng rồi vẫn không bỏ được mảnh đất này.
* Trồng cây hợp ý thị trường
Ông Minh cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đã chuẩn hóa quy trình sản xuất, quan tâm xử lý rác thải có hại để xây dựng trang trại thân thiện với môi trường. Trồng cây gì, nuôi con gì tôi cũng bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ từ cấu trúc gen đến các tập tính về khí hậu, thổ nhưỡng... và thường trồng thử nghiệm trước mới nhân rộng nên rất thuận lợi khi vào thực tế”. Nhờ vậy, các sản phẩm của trang trại không chỉ đạt về chất lượng mà có hình thức đẹp là yếu tố quan trọng nhất bán được giá tốt.
Với ông Minh, thị trường luôn là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành bại của nông dân. Suốt những năm làm nông, ông cũng đã chuyển đổi rất nhiều cây trồng khác nhau, từ cà phê, xoài, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh ruột hồng... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm của thị trường. Tuy nhiên, ông vẫn tập trung vào dòng sản phẩm chính là quýt đường và cam xoàn. Vì theo ông, đây là những loại cây khó tính, khó trồng nên rất “đắt’ hàng trong giai đoạn hiện nay. Vụ tết này, quýt của trang trại trúng lớn vì đạt cả về giá và sản lượng.
Có thể bạn quan tâm

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Khi tham gia vào mô hình này, các hộ nông dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo mô hình 4C, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hái.