Làm Sao Để Giữ Rừng Và Trồng Lúa Đi Cùng Một Hướng?

20 năm là khoảng thời gian đủ dài để thay đổi cuộc đời con người. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để làm thay đổi cuộc sống của người dân dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Nhiều hộ có trách nhiệm rất cao trong công tác bảo vệ rừng, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn nhiều bề.
Thực trạng trên xuất phát từ những mâu thuẫn trong bảo vệ rừng với phát triển kinh tế gia đình từ nhiều năm nay chưa được khắc phục.
Người dân U Minh đã có ý thức phòng chống cháy rừng (PCCR) từ lâu. Trong họ, bảo vệ và PCCR là đồng nghĩa với bảo vệ tài sản của chính gia đình họ. Từ đó, việc triển khai công tác PCCR ở Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ gặp nhiều thuận lợi.
Đa phần người dân sống trong đất rừng U Minh đều là những hộ nghèo, không đất sản xuất; vào rừng lập nghiệp từ những năm 1990 theo chính sách điều động dân cư. Mỗi hộ được cấp 2 ha đất ruộng trồng lúa và 5 ha đất trồng rừng.
Những năm gần đây, khi cây tràm mất giá và những lâm sản trong rừng ngày càng cạn kiệt thì đời sống của người dân dưới tán rừng cũng gặp nhiều cái khó. Nhất là khi thực hiện đóng cửa rừng để phục vụ cho công tác phòng chống cháy.
Anh Phạm Văn Tuấn, ấp 13, xã Khánh Lâm, cho biết, vùng này ít khi xảy ra cháy do người dân rất ý thức trong bảo vệ rừng. Vì giữ rừng cũng chính là giữ tài sản của gia đình. Tuy nhiên, việc giữ nước để chữa cháy cũng đồng nghĩa với việc ngập úng trong nông nghiệp.
Vào khoảng tháng 9 âm lịch là khoảng thời gian làm đòng của lúa, lúc này thì cần nước rút. Trong khi đó, thời điểm này lại phải giữ nước để chuẩn bị cho mùa khô. Chính vì vậy, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại có 45 hộ dân sống trong khu vực 181, ấp 13, xã Khánh Lâm, có cùng chung cảnh ngộ với ông Tuấn. Hầu hết những hộ ở đây thực hiện rất tốt việc giữ rừng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, nếu thực hiện các biện pháp giữ rừng thật tốt thì điều kiện sản xuất lúa của bà con sẽ gặp khó khăn. Bởi vì, để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy thì đòi hỏi người dân phải hy sinh lúa giữ nước để phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng.
Mùa khô thì người dân bị cấm ra vào rừng. Đồng thời phải cam kết không được đốt đồng, thu nhập từ ong mật, con cá cũng theo đó mà giảm sút. Do đó, việc sản xuất lúa chỉ là tạm đủ ăn, chứ khó có thể dư giả.
Phụ trách xã có tỷ lệ hộ nghèo lên đến 29%, ông Vũ Hà Bắc, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, trăn trở: “Nếu làm tốt công tác giữ rừng thì đời sống người dân gặp khó, mà đời sống người dân gặp khó thì gánh nặng địa phương càng nhiều.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, giữa rừng và lúa khó có thể sống hài hoà được với nhau. Để cuộc sống người dân bảo đảm tốt hơn, cần xem xét đến lộ trình tách lúa ra khỏi rừng”.
Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế của một số hộ dân trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ đã được cải thiện. Tuy nhiên, để tất cả người dân trong lâm phần vừa thực hiện tốt bảo vệ rừng theo chủ trương vừa phát triển kinh tế gia đình thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về những giải pháp hữu hiệu từ ngành chức năng.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.

Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.

Được sự giới thiệu của anh Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phủ Hà tìm gặp ông Lê Tấn Báu, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của thành phố.