Làm Nông Thôn Mới Kết Hợp Du Lịch Sinh Thái, Thu Tiền Tỷ

Ông Huỳnh Văn Huệ - đại diện Tổ cây ăn trái Trung An cho biết hàng năm có khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ mát tại các vườn trong tổ. Doanh thu từ vé và các dịch vụ khác đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, với chủ trương và chính sách hỗ trợ của thành phố, vùng nông nghiệp TP.HCM không chỉ chuyển dịch theo hướng lựa chọn cây con có giá trị cao mà còn bắt đầu xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ nông nghiệp mới.
Trong đó mô hình làm nông thôn mới kết hợp với du lịch sinh thái đang được huyện Củ Chi đẩy mạnh thực hiện.
Mấy năm gần đây, các nhà vườn cây ăn trái ở xã Trung An không chỉ liên kết thành lập nên tổ hợp tác để giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà còn liên kết phát triển thành các điểm du lịch vườn, thu hút khá đông người dân các nơi đến vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây tại chỗ.
Ông Huỳnh Văn Huệ - đại diện Tổ cây ăn trái Trung An cho biết hàng năm có khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ mát tại các vườn trong tổ. Doanh thu từ vé và các dịch vụ khác đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm cây ăn trái của các vườn chủ yếu bán cho du khách (chiếm 75%), thu nhập bình quân 65 – 70 triệu đồng/ha/năm. Trong khi các vườn không tổ chức đón khách tổng thu nhập hàng năm chỉ đạt 20 – 23 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự như vậy, các vườn rau, hoa lan, làng nghề bánh tráng tại các HTX cũng đang rất “mặn mà” với chương trình làm nông thôn mới kết hợp với du lịch sinh thái.
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt (xã Phạm Văn Cội) cho biết các vườn rau của HTX chị là nơi thường xuyên được các đoàn học sinh tiểu học trong thành phố đến tham quan, học trồng rau, trải nghiệm làm nhà nông 1 ngày.
Số lượng tham quan ngày càng nhiều nên chị quyết định đầu tư hẳn thành tour du lịch nông nghiệp, với việc xây dựng thêm nhà nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh và có hướng dẫn viên đầy đủ, bài bản.
“Giờ đây không chỉ có học sinh các trường cấp 1 mà còn có cả học sinh cấp 2 và 3 với lượng học sinh mỗi đợt có khi lên đến 300 - 500 em đến tham gia tour trải nghiệm làm nhà nông của HTX...” – chị Ngọc vui vẻ kể.
Hay như trang trại lan Huyền Thoại rộng 4ha của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền ở xã Hòa Phú thường xuyên có rất nhiều đoàn trong và ngoài thành phố đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Chủ tịch huyện Củ Chi cho biết huyện đang xây dựng đề án làm nông thôn mới kết hợp du lịch sinh thái.
Trong đó điểm nhấn là tour du lịch nông nghiệp cho khách sau khi tham quan địa đạo Củ Chi sẽ đến các vườn cây ăn trái Trung An, tham quan làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và kết thúc bằng buổi học làm nhà nông ở các vườn trồng rau.
“Chúng tôi đang hướng đến mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch vừa giúp người tham quan có một điểm dừng chân thú vị, vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông thôn mới, nông nghiệp đô thị TP.HCM” – ông Phú nói.
Có thể bạn quan tâm

Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.

Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết, vùng sản xuất lúa ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có thể vận chuyển lúa bằng xe tải hoặc ghe; hệ thống ô bao và tưới tiêu đảm bảo sản xuất đồng loạt đáp ứng được khối lượng lớn lúa mà doanh nghiệp yêu cầu; Hợp tác xã đủ năng lực để doanh nghiệp giao dịch ký hợp đồng.

Các tiểu thương cho biết, hiện giá gừng đã giảm một nửa so với cách đây một tuần. Hiện tại, giá gừng non chỉ ở mức 40.000-45.000 đồng/kg (lúc cao nhất lên đến 80.000-100.000 đồng/kg). Tuy nhiên với giá này vẫn còn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.