Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Nông Sản Theo Chuẩn Nào?

Làm Nông Sản Theo Chuẩn Nào?
Ngày đăng: 08/09/2014

Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.

Nông sản xuất khẩu phải theo quy chuẩn mà các nước trên thế giới chấp nhận. Ngoài yếu tố về cơ hội thị trường, sản xuất theo chuẩn toàn cầu nông dân đạt được nhiều lợi ích cho chính bản thân họ. Global GAP, ISO, UTZ Certified, 4C... là các bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững, có trách nhiệm được nhiều nước trên thế giới công nhận với các yêu cầu, như: sản phẩm an toàn, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, đảm bảo về lao động...

* Nhiều ích lợi

Tại Đồng Nai, sản xuất theo chuẩn GlobalGAP với rau, cây ăn quả; sản xuất cà phê 4C... không còn xa lạ với nông dân. Riêng chương trình chứng nhận nông sản bền vững UTZ Certified đã được triển khai từ năm 2012 với cây ca cao. Hiện toàn tỉnh có trên 92 hécta ca cao với 79 hộ được chứng nhận UTZ.

Ông Trương Văn Gộc (xã Tà Lài, huyện Tân Phú), chia sẻ: “2 năm thực hành sản xuất theo chuẩn UTZ, vườn ca cao của tôi luôn đạt năng suất tốt, ngay cả thời điểm nhiều nhà vườn thất bát vì nấm bệnh.

So với cách làm truyền thống, trồng ca cao UTZ không phải mất thêm chi phí vì chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên dùng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh; phải mang ủng, bịt khẩu trang khi phun thuốc cho cây trồng; ghi nhật ký sản xuất...

Nhờ thực hiện mô hình sản xuất an toàn cho môi trường nên gia đình tôi yên tâm làm nhà sống ngay trong vườn ca cao”.

Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, câu lạc bộ thu hút được 24 hội viên với 22 hécta ca cao thực hiện sản xuất theo chuẩn UTZ. Nông dân nhiệt tình tham gia vì chương trình mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Quan trọng nhất là chúng tôi được đảm bảo ưu tiên thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường khoảng 25 ngàn đồng/kg hạt khô”.

* Phải tính đầu ra

Năm 2011, bưởi Tân Triều được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với mục tiêu bước vào thị trường thế giới. Thực tế, không thiếu khách từ Nhật, châu Âu đặt hàng, nhưng do sản xuất theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ, bưởi Tân Triều đã bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu, nông dân cũng đành bỏ GlobalGAP.

Tuy vậy, các loại nông sản chủ lực của Việt Nam, như: cà phê, ca cao, chè đáp ứng về sản lượng và nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Thời gian đầu, một số tập đoàn cà phê, ca cao quốc tế đặt hàng cho nông dân sản xuất theo chuẩn toàn cầu rồi dần dần thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia.

Ông Nguyễn Tuấn Vượng, Giám đốc bộ phận thu mua ca cao của Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), nhận xét trước đây do còn hạn chế về mặt kỹ thuật nên năng suất cây ca cao tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đạt thấp.

Khi thực hành UTZ, năng suất ca cao tại nhiều địa phương tăng từ 30-50% so với trước. Ý nghĩa lớn nhất của chương trình là nông dân được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật sản xuất; thay đổi ý thức làm nông theo hướng công nghiệp, hiện đại. Hiện Cargill đang thu mua ca cao đạt chứng nhận UTZ với giá 120 USD/tấn hạt khô.

Theo báo cáo của Tổ chức chứng nhận nông sản bền vững UTZ Certified tại Việt Nam, năm 2002 Việt Nam chỉ có 3 đơn vị được chứng nhận UTZ Certified cho mặt hàng cà phê. Đến cuối tháng 6-2014, cả nước đã có 58 đơn vị được chứng nhận với 43.405 nông hộ tham gia, tổng diện tích trên 59 ngàn hécta, sản lượng gần 198 ngàn tấn/năm, đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Với cây ca cao, chè, cả nước hiện có 3.572 nông hộ tham gia, tổng diện tích khoảng 2.604 hécta.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện UTZ Certified tại Việt Nam, cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm UTZ trên thị trường thế giới tăng ở mức cao, khoảng 35%/năm trên tổng sản lượng nông sản UTZ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia chương trình phải căn cứ vào thị trường để xây dựng lộ trình phát triển cho phù hợp, không nên làm ồ ạt theo phong trào vì dễ gặp khó về thị trường rồi nản lòng bỏ cuộc”.


Có thể bạn quan tâm

Thanh Long Ruột Đỏ Thanh Long Ruột Đỏ "Bén Rễ" Trên Vùng Đất Nhiễm Phèn

Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi

26/10/2013
Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản

Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.

07/06/2013
Tạo Thương Hiệu Tôm “Sạch” Để Vươn Xa Tạo Thương Hiệu Tôm “Sạch” Để Vươn Xa

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc sở nn&ptnt, cho biết, để “gỡ rối” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau trong tình hình khó khăn như hiện nay, Sở đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang tính bền vững và đang phát huy hiệu quả.

24/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.

09/01/2013
Phát Triển Nghề Ba Ba Gai Phát Triển Nghề Ba Ba Gai

Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN Bắc Ninh, Cty TNHH MTV SX & tiêu thụ VAC Nam Hà đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT SX giống và nuôi thương phẩm ba ba gai”.

28/10/2013