Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trước đây, khi còn làm ruộng thì với thu nhập của 4 công đất chỉ giải quyết được cho phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn tất cả chi tiêu khác đều phải nhờ vào tiền chăn nuôi hoặc làm thuê thêm của 4-5 thành viên trong nhà. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm đến nay, gia đình đã khá lên rất nhiều, thu nhập từ 200 gốc mãng cầu xiêm được trồng trên diện tích 3.000m2 đã đem lại lợi nhuận cho ông đến 200 triệu đồng/năm. Ông Hoàng cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi vẫn cứ loay hoay bám ruộng của ông bà để sinh sống cộng với việc làm kinh tế nhỏ như nuôi heo. Nhưng thu nhập từ ruộng lúa đem lại thì đâu có là bao, trong khi con cái lớn đang tuổi ăn tuổi học phải tốn thêm nhiều chi phí nên cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng thời gian sau này, thấy những gốc mãng cầu sau nhà cho trái khá nhiều mới nhận ra vấn đề là cần phải làm một cái gì đó để đổi đời”. Thế là suy nghĩ cải tạo vườn tạp trồng và nhân rộng giống mãng cầu xiêm được ông thực hiện. Dẫu biết rằng cây mãng cầu xiêm không thích hợp với vùng đất phèn, nhưng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước và các phương tiện thông tin đại chúng, cuối cùng ông Hoàng đã thành công.
Nếu như giống mãng cầu này thường chỉ thu hoạch từ tháng 9 kéo dài đến tháng 2 hàng năm là kết thúc, thì với cách chăm sóc của mình từ việc đào xới đất, tưới vôi diệt khuẩn đến khâu ghép cành thụ phấn, nên cây mãng cầu của ông cho trái quanh năm. Có lẽ nhờ vậy mà gần 10 năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào cây mãng cầu này đem lại. Không những thế, khi đã có thu nhập ổn định, ông còn chiết cây giống bán cho các hộ dân lân cận, có khi bán qua đến tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Mô hình trồng mãng cầu xiêm của gia đình ông Hoàng đã đem lại nhiều hiệu quả, nhất là giúp cho địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đây được xem là một hướng đi mới cho nông dân trong vùng. Hiện nay, đại bộ phận người dân chỉ sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó có rất nhiều hộ còn diện tích vườn tạp, vườn kém chất lượng, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề ra những kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ việc cải tạo vườn tạp để thay thế bằng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: mãng cầu xiêm, xoài… để nâng cao thu nhập. Nếu thực hiện thành công sẽ góp phần cùng địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nhất là khi Tân Phú đang xây dựng xã nông thôn mới.
Có thể nói, mô hình trồng mãng cầu xiêm của nông dân Trần Bữu Hoàng trên vùng đất xã Tân Phú đã trở thành một điểm sáng cần nhân rộng trong thời gian tới. Nhất là huyện Long Mỹ đang phát động mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Sau thời gian tham quan học tập ở tỉnh Đồng Nai, anh Hải đã quyết định áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại gia đình. Anh Hải chia sẻ: Nguyên liệu làm đệm lót sinh học là chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương. Cách làm cũng khá đơn giản, trước tiên cần đổ 30 cm trấu cộng với 1 lớp men, sau đó lớp bên trên đổ 40cm mùn cưa.

Chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, sâu bệnh sang trồng những loại cây khác phù hợp là một chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này ở huyện Đắk R’lấp đang đặt người nông dân và ngành chức năng, chính quyền cơ sở trước những khó khăn lớn.

Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.

Người dân ở khu vực cầu La Ngà (huyện Định Quán) quen gọi anh Lê Hoàng Tuấn là Tuấn “cá bống” vì anh có hơn 20 năm chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cá bống giống và thu mua cá thương phẩm.