Làm Giàu Từ Trang Trại Chăn Nuôi

Là một trong năm trang trại được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắc Lắk) cấp giấy chứng nhận hoạt động, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt (sinh năm 1987) ở thôn 10, xã Ea Lê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Năm 1995, từ tỉnh Bắc Ninh anh Nguyễn Văn Hoạt theo gia đình vào xã Ea Lê lập nghiệp. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên việc học hành của anh dang dở. Năm 2007, anh phải bươn chải học nghề kiếm sống nuôi bản thân, nhưng thu nhập từ công việc sửa xe máy ít ỏi, không được bao nhiêu.
Đến năm 2011, anh lập gia đình với chị Triệu Thị Thúy là người cùng xã. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi anh chị sinh thêm đứa con gái đầu lòng. Với sức trẻ, ý chí và nghị lực không chấp nhận nghèo đói, anh nghỉ nghề sửa chữa xe máy, cùng với chút vốn ít ỏi trong tay anh chị đã vay mượn thêm bà con, gia đình để mua 1 ha đất.
Do đất quá khô cằn, chủ yếu là sỏi đá khó canh tác các loại cây trồng, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh chị đã quyết định đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi, bắt đầu từ việc chăn nuôi nhỏ theo hình thức tích góp mở rộng dần. Những ngày đầu mở trang trại, gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn về dịch bệnh cũng như giá thức ăn tăng cao, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, nguồn thu nhập từ chăn nuôi tuy có nhưng không lớn…
Dần dần, trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng anh đúc rút kinh nghiệm, tiết kiệm và đầu tư mở rộng từng bước. Đến nay cũng trên 1 ha đất sỏi ngày nào, gia đình anh đã mở rộng được 3 ao thả cá với tổng diện tích mặt nước 2.000 m2, chủ yếu thả các loài cá chép, mè, trôi; 5 sào đất lúa; diện tích đất còn lại anh xây dựng nhà và 2 dãy chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng mặt nước sẵn có anh kết hợp chăn nuôi vịt với số lượng lớn.
Nhận thấy xung quanh có những chân ruộng lúa nước 2 vụ rộng lớn của các nông hộ; tận dụng lợi thế này hằng năm gia đình anh nuôi 3 lứa vịt thịt, mỗi lứa 2.000 con; trong đó 2 lứa vịt nuôi chạy đồng và một lứa nuôi công nghiệp. Khi bà con nông dân tiến hành thu hoạch lúa cũng là thời điểm anh đưa vịt ra đồng tận dụng những hạt lúa còn sót lại để làm thức ăn cho vịt.
Đợt 1 nuôi chạy đồng bắt đầu vào cuối tháng 2 đến cuối tháng 4 là có thể xuất bán, đợt 2 anh nuôi công nghiệp từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, đợt 3 nuôi chạy đồng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10. Chăn vịt chạy đồng có rất nhiều lợi thế, tốn ít công chăm sóc, ít chi phí đầu tư; vịt chạy đồng dễ bán, được các thương lái xuống tận nơi thu mua. Nếu tính 2.000 con vịt nuôi chạy đồng khi xuất bán trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng, lời gấp đôi so với nuôi vịt công nghiệp.
Ngoài số vịt thịt, trong trang trại còn có 1.200 con vịt đẻ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 500 quả trứng; đồng thời gia đình anh làm lò ấp cung ứng giống cho những người có nhu cầu. Cùng với nguồn thu nhập từ nuôi vịt đẻ, ao cá, chăn nuôi heo, hằng năm gia đình anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Với việc đầu tư mô hình chăn nuôi xoay vòng bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 2 vừa qua anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của Nhà nước.
Dự định thời gian tới gia đình anh sẽ chuyển đổi 5 sào đất lúa kém năng suất sang đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi vịt với tổng đàn lớn để nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ra quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Tuyến, SN 1967, ở khu phố 9, phường Tân Hoà, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai với số tiền 150 triệu đồng về hành vi mua lâm sản trái với các quy định của Nhà nước với khối lượng 5,962 m3 gỗ gõ xẻ hộp, thuộc nhóm IIA; kể cả khối lượng 3,248 m3 chênh lệch do vượt quá sai số cho phép trên từng hộp gỗ. Quyết định còn xử phạt bổ sung tịch thu sung công quỹ Nhà nước 2,714 m3 gỗ gõ xẻ hộp.

Ngày 27-7, Ban quản lý Chợ nông sản Đà Lạt xác nhận, từ đầu tháng 7 đến nay đã có 3 lô hàng khoai tây Trung Quốc (tổng cộng trên 50 tấn) nhập về chợ. Trước đó, trong tháng 6 cũng đã có 60 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về “quá cảnh” Đà Lạt trước khi tung ra thị trường.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, 5 mặt hàng tiêu biểu được chọn thực hiện trong kế hoạch này là cao su, cà phê, chè, tôm và rau quả.

Hiện nay, toàn huyện gieo trồng vụ mùa ước được khoảng 6.318 ha cây trồng các loại. Trong đó, khoảng 4.685 ha ngô, đạt 105% KH; 550 ha lúa nương; 182,5 ha sắn; 797,7 ha lúa ruộng; 90,7 ha đỗ tương; 13,5 ha lạc.

Theo đó, kế hoạch này gồm 3 nội dung. Đầu tiên là điều tra, khảo sát thực địa và thu thập thông tin (gồm khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai; quy trình, kỹ thuật trồng trọt, canh tác và giống lúa Nàng thơm chợ Đào; điều tra thực trạng quy hoạch vùng canh tác gạo Nàng thơm chợ Đào, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; thu thập thông tin về sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm).