Làm Giàu Từ Nuôi Rắn Hổ Trâu

Với ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu, nông dân Lê Hữu Mông ở khu 4, phường Long Thủy (TX. Phước Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình nuôi rắn hổ trâu (hổ vằn). Với 40 con rắn bố mẹ, trên 200 rắn con, hàng trăm quả trứng rắn và trên 60 rắn nước, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chỉ hơn một năm nuôi rắn, nhưng ông Lê Hữu Mông được xem là người tiên phong trong chọn con vật nuôi mới này. Ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt là kết quả của những ngày tháng vợ chồng ông cần mẫn, chắt chiu từ lao động. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông phải tìm đến các làng nuôi rắn nổi tiếng ở những tỉnh lân cận để học hỏi kỹ thuật.
Rắn hổ trâu đẻ 2 lứa/năm, bình quân một con rắn mẹ 1-1,5 tuổi đẻ 14-17 trứng/lần. Để ấp trứng cho rắn, ông Mông cho đất có độ ẩm khoảng 25-300C vào lu sành, nén thật chặt, sau đó rải lên một lớp cát mỏng và để trứng rắn vào, dùng vải bịt miệng lu lại giữ ấm. Khoảng vài tuần kiểm tra một lần, nếu thấy quả trứng to đều, trắng, khô ráo... thì sau 70 ngày sẽ nở, tỷ lệ đạt khoảng 90%.
Rắn con mới nở được ông thả vào chuồng cho uống nước 7 ngày để rắn thay da, sau đó thả nhái cho rắn ăn. Hiện giá rắn con bán trên thị trường khoảng 200 ngàn đồng/con, đa phần là người nuôi ở các tỉnh trong khu vực đặt mua từ trước, bởi nguồn giống rắn hổ trâu không đủ cung cấp.
Trại của ông có 45 chuồng nuôi rắn, bình quân 1 chuồng có 5 con rắn cái và 1 con rắn đực để chúng tự phối giống. Thức ăn chủ yếu là nhái, ếch, cút, cóc... Ông thiết kế chuồng nuôi bằng xi măng, bên trong để vỉ gỗ cho rắn nằm, mặt trên lợp bằng lưới chì tạo sự thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi...
Sau một năm, rắn đạt trọng lượng 1,5-2kg/con và có thể sinh sản hoặc bán thương phẩm. 1 con rắn hổ trâu có trọng lượng 1,7kg trở lên, giá thị trường 500-700 ngàn đồng/kg; rắn nước có giá 250-300 ngàn đồng/kg. Người nuôi rắn thu lợi nhuận khoảng 60% sau khi trừ chi phí. Ông đang tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi rắn.
Ông Phạm Đức Cảm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Thủy cho biết, mô hình nuôi rắn hổ trâu của hội viên Lê Hữu Mông là hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Hội Nông dân phường rất mong sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên để mô hình này phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Lựa chọn giống gà Bình Định nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, anh Hồ Phú ở khu phố 2, phường Thác Mơ (Phước Long, Bình Phước) đang dần gầy dựng thương hiệu gà uy tín, chất lượng với các hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã.

Sau hơn 1 năm đưa vào sản xuất ở 2 xã Đức Hương và Hương Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), cây chanh leo đang khẳng định giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác với mức thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi nhiều nông dân ở Cà Mau đang vỡ nợ vì nuôi tôm công nghiệp, phải cầm cố ruộng đất hoặc bỏ xứ đi làm ăn xa thì không ít người vẫn thành công từ con tôm nhờ áp dụng mô hình nuôi lót bạt trên ao nhỏ.

Khi mới khởi nghiệp nghề nông, anh Nguyễn Thành Cung ở thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã thất bại và mất một khoản tiền lớn. Thế nhưng, nhờ bền chí, anh quyết tâm làm lại từ đầu và đến nay cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá.

Nhờ được đào tạo nghề bài bản, nhiều hộ nông dân (ND) vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã có thu nhập cao từ mô hình vườn - ao - chuồng.