Làm Giàu Từ Nuôi Lợn

Khởi nghiệp từ 35 con lợn, nhờ lao động cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Lê Văn Hoàng, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (Hoà Vang - Đà Nẵng) đã làm giàu.
Về thôn Lệ Sơn 2, chúng tôi hỏi nhà ông Hoàng không khó, bởi ai cũng biết tài nuôi lợn của ông. Trên khoảng đất 200m2, ông tự tay thiết kế12 ô chuồng, mỗi ô chuồng nuôi khoảng 7 - 8 con.
Nói về nuôi lợn, ông Hoàng bảo với chúng tôi, đó là một nghề. Trước đây, ông làm trong ngành điện dân dụng, lương tháng chẳng được bao nhiêu, lại xa nhà, còn vợ thì làm công nhân, cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, ba đứa con không có tiền ăn học. Nghe vài người trong làng khuyên nuôi lợn, vì lợn dễ nuôi, có đầu ra, giá ổn định nên từ năm 2009, ông bắt đầu gắn bó với con vật nuôi này, khởi nghiệp ban đầu là 35 con. Ngày đó, ông chỉ cho lợn ăn rau, cỏ, lấy công làm lãi là chính nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Đặc biệt, do không có kinh nghiệm nên lợn ông nuôi thường bị dịch bệnh. Không nản chí, ông vẫn quyết đeo bám nghề này.
Để nghề này phát triển bền vững, ông bắt đầu tham gia các chương trình, lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, trang trại của ông đã có hơn 90 con lợn siêu nạc.
Ông Hoàng chia sẻ: “Để có được giống tốt, tôi phải đích thân đến các cơ sở sản xuất giống ở Bình Định, Quảng Ngãi để tìm hiểu và lựa chọn. Mặc dù giá cao hơn nhưng trọng lượng và chất lượng cao hơn giống lợn địa phương”.
Loại bỏ cách nuôi truyền thống, ông chuyển sang nuôi công nghiệp. Ông vẫn cho lợn ăn rau, cỏ cộng thêm cám công nghiệp, ngoài ra ông còn tận dụng nguồn thức ăn dư thừa ở chợ, quán ăn trên địa bàn. Vì thế, lứa lợn nào của ông cũng lớn rất nhanh, chất lượng thịt ngon.Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi ròng gần 150 triệu đồng.
Hỏi về kinh nghiệm, ông Hoàng trải lòng: “Nuôi lợn, ngoài kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bà con phải giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Về mùa hè nên nuôi với mật độ thấp, mùa đông chuồng cần ấm áp và có thể nuôi với mật độ cao hơn; thường xuyên sát trùng chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin cho lợn. Chế độ ăn phải đảm bảo hợp lý theo trọng lượng của lợn. Ngoài thức ăn công nghiệp, cần bổ sung thêm một lượng tinh bột cần thiết để tránh các bệnh do thiếu đạm”.
Hướng tới chăn nuôi sạch, ông Hoàng còn đầu tư xây hầm biogas để xử lý nước thải, vừa phục vụ nấu nướng.
Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn rất trăn trở bởi: “Giá lợn hơi quá thấp, trong khi giá thức ăn lại tăng liên tục. Nếu không tính toán kỹ thì càng nuôi càng lỗ. Giá như Nhà nước tạo điều kiện giúp bà con bao tiêu sản phẩm hoặc hỗ trợ tiêu thụ thì người chăn nuôi mới sống nổi”.
Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hơn 1,76 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu được tinh chế thay vì chỉ xuất hàng phi-lê đông lạnh, giá trị con cá tra đồng bằng hẳn sẽ cạnh tranh được với cá thanh châu Âu.

Bất cập chất lượng, vùng nuôi thiếu ổn định… đã đẩy việc sản xuất và tiêu thụ cá tra thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) vừa được chuyển giao công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương sử dụng hệ thống chiếu sáng LED và câu mực xà lá (mực khổng lồ) theo công nghệ Nhật Bản. Đây là những công nghệ tiên tiến, đạt năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế đang được thử nghiệm đối với ngư dân Phú Yên.

7 giờ sáng, chiếc ca nô đưa đội công tác liên ngành rời cảng Phú Hài (Phan Thiết, Bình Thuận) đến với tàu tuần tra của Chi cục Thủy sản, bắt đầu hành trình ngày thứ ba trong cuộc chiến với “bẫy” tôm hùm. Có thể nói, đây là cuộc ra quân quyết liệt nhất từ trước đến nay để trả lại vẻ đẹp cho vùng biển Phan Thiết, lâu nay bị xâu xé bởi mạng lưới “bẫy” tôm hùm.

Với điều kiện đặc thù của nghề nuôi thủy sản lồng bè trên các vùng sông nước, vùng cửa biển thì việc có điện phục vụ nuôi trồng và sinh hoạt thường ngày là cả một vấn đề nan giải… Việc một ngư dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu mạnh dạn bỏ số tiền khá lớn đầu tư hệ thống điện gió và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt đã làm rất nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thú vị.