Làm Giàu Từ Nuôi Dê

Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.
Tuy nhiên, dê được cho là rất dễ nuôi bởi nguồn thức ăn cho chúng là các loài thực vật mà nông dân có thể tận dụng từ các vụ mùa như mì, bắp, cỏ, lá cây keo,… Bên cạnh đó, dê là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể xuất chuồng hoặc sinh sản. Mỗi lứa, dê mẹ thường đẻ 4-6 con nên đàn dê cũng vì thế mà tăng số lượng nhanh chóng. Mặc dù vậy, dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị bệnh, nên khi nuôi các gia đình cũng cần phải thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.
Phần lớn các hộ nuôi dê tại làng Tao Chor A đều từ nơi khác chuyển đến, hộ khá cũng chỉ có vài chục đến vài trăm trụ tiêu nhưng lại “chết lên chết xuống”. Cũng có gia đình không có lấy mảnh đất cắm dùi, quanh năm phải đi làm thuê cuốc mướn cho những gia đình khác. Vì vậy mà cuộc sống cứ bấp bênh mãi cho tới khi mô hình nuôi dê lấy thịt đem đến cho họ niềm hy vọng đổi khác.
Gia đình anh Nguyễn Đắc Thế (SN 1970) sau khi mạnh dạn vay 20 triệu đồng cùng với vốn của gia đình để đầu tư chuồng trại và 9 con dê với tổng chi phí lên tới 40 triệu đồng. Sau 4-5 tháng chăm sóc, hiện nay đàn dê của gia đình anh Thế đã tăng lên 16 con, trung bình mỗi con nặng 30-50 kg. Với giá mua dê thịt tại chuồng là 110.000 đồng/kg thì đàn dê của anh Thế đang hứa hẹn đem về nguồn lợi rất lớn.
Anh Thế vui mừng cho biết: “Nuôi dê thấy khá an toàn mà hiệu quả lại cao và ổn định. Thức ăn cho dê chỉ cần là những cành cây keo được phơi cho ráo nước, chuồng trại phải sạch sẽ. Chỉ cần chịu khó bỏ vốn đầu tư sẽ nhanh chóng lấy lại được và có lời trong thời gian ngắn”.
Tương tự, ngoài ngôi nhà tình thương do Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh xây tặng thì vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hương không còn một tài sản nào đáng giá. Rời mảnh đất Bình Định, anh chị cùng nhau lên đây với hy vọng làm giàu. Nhưng trong tay không có vốn, không có đất sản xuất, cả hai vợ chồng chỉ biết đi làm thuê cho người khác để sống qua ngày.
Năm ngoái, hai vợ chồng mạnh dạn vay vốn đầu tư 10 triệu đồng nuôi 2 con dê giống và làm chuồng trại. Đến nay, trong khu chuồng rộng chừng 9 m2 là đàn dê 9 con, con nào cũng to béo, khỏe mạnh. Ngoài ra, anh chị còn nhận nuôi rẽ 1 cặp dê giống cho một gia đình khác, công đổi lại là từ 1 đến 2 dê con nếu dê mẹ đẻ được 4-6 con.
Sống giữa nơi được coi là “thủ phủ” hồ tiêu của cả tỉnh nhưng nhiều người không có đủ điều kiện, thời gian và vốn liếng để đầu tư cho loại cây lợi nhuận cao nhưng rủi ro nhiều này. Họ đã tìm cho mình một hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi dê, từng bước chậm nhưng chắc để đảm bảo cho một cuộc sống ổn định, vững chắc, tiến tới làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức thả cá ra các ao hồ tự nhiên nhằm tái tạo nguồn cá nước ngọt. Đồng thời hỗ trợ người dân đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân sinh sống khu vực gần hồ.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ thuộc thôn Giếng Êm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn với tổng đàn gồm 700 con vịt, 475 con gà. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo địa phương thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh ổ dịch. Như vậy, tính đến ngày 14/10, cả nước còn tỉnh Hòa Bình có dịch cúm gia cầm, tỉnh Quảng Nam có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Bão số 10 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, riêng đối với lĩnh vực thủy sản hầu hết diện tích nuôi trồng đều bị ngập, trong đó có nhiều hộ bị mất trắng.

Sau thời gian triển khai các phần việc, phương án trong các chuỗi liên kết, sáng 15/10, Sở NN&PTNT Cà Mau tiến hành hội nghị "Liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau".

Theo thống kê của Sở nông nghiệp - PTNT Đắk Nông thì tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.700 ha cây ăn trái, tăng 500 ha so với năm 2005. Tính riêng năm 2012, sản lượng đạt trên 11.280 tấn, tăng trên 5.500 tấn so với năm 2005.