Làm giàu từ nuôi cá và ba ba

Với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, sau nhiều lần trăn trở và suy nghĩ, chị Duyên quyết định tìm tòi các mô hình sản xuất chăn nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình.
Nghĩ là làm, từ năm 2004, được người quen giới thiệu, chị tìm đến các mô hình chăn nuôi ba ba có hiệu quả ở tỉnh Đồng Nai để tham quan học tập. Sau đó, chị mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư xây dựng một hồ nuôi ba ba với diện tích 300 m2và tìm đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín để mua 2.000 con ba ba giống về thả nuôi.
Trong quá trình nuôi, chị luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật mà mình đã học được như xử lý ao nuôi, thay nước định kỳ, nguồn thức ăn và cách cho ăn thích hợp… Nhờ đó, ba ba của chị sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi lứa ba ba thả nuôi trong thời gian từ 16 - 18 tháng, mỗi con đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,1kg, với giá bán trung bình nhiều năm 270.000 đồng/kg, mỗi lứa nuôi sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống chị thu lãi hơn 80 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm qua từng lứa nuôi, đồng thời nhận thấy nhu cầu con giống ở địa phương khá cao nên từ năm 2008, chị đầu tư xây thêm một hồ nuôi 300 m2 nữa để mở rộng quy mô chăn nuôi và lựa chọn ba ba có chất lượng để nhân giống đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho gia đình, bà con trong vùng và các khu vực lân cận. Hiện tại, sau khi đáp ứng nhu cầu con giống cho gia đình, mỗi năm chị còn xuất bán hơn 2.000 con ba ba giống với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/con, chị thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng.
Chưa bằng lòng với hiện tại, đồng thời nhận thấy việc nuôi ba ba cũng không tốn nhiều thời gian nên từ năm 2013, chị đào thêm 1 ao đất khoảng 1.500 m2 để thả nuôi cá lóc và cá diêu hồng. Mỗi lứa chị thả nuôi 16.000 con cá diêu hồng, sau 3 tháng chị thả tiếp vào ao 7.000 – 8.000 con cá lóc để nuôi chung, sau 3 tháng nữa thì thu hoạch cả ao, mỗi con cá diêu hồng đạt trọng lượng từ 0,5 – 1 kg và mỗi con cá lóc đạt trọng lượng từ 0,5 – 0,8 kg. Với giá bán của cả 2 loại cá là 50.000 đồng/kg, mỗi lứa nuôi sau khi trừ chi phí chị thu lãi hơn 70 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngoài những lúc cho cá và ba ba ăn, chị Duyên còn hợp đồng nhận đan ghế nhựa cho các công ty ở thành phố Quy Nhơn, với giá công đan mỗi ghế là 140.000 đồng và mỗi ngày chị đan được 2 ghế, thu được 280.000 đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi cá và ba ba, mỗi năm gia định chị Duyên thu lãi gần 250 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chị Duyên tâm sự: “Lúc mới bắt đầu nuôi, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm nên ba ba chậm lớn, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi nhận thấy để cá và ba ba phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống và chăm sóc lúc còn nhỏ, thêm nữa là khâu chọn thức ăn.
Nhờ đó, sau một thời gian, tôi đã có kinh nghiệm thì việc chăm sóc dễ dàng hơn và chúng đều phát triển bình thường. Có thể nói, nhờ nuôi cá và ba ba mà cuộc sống của gia đình tôi mới có của ăn của để như ngày hôm nay”.
Không những làm kinh tế giỏi mà chị Duyên còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức. Ngoài ra, chị còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình cho nhiều người khác học tập, áp dụng vào sản xuất để tạo việc làm và tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đã có rất nhiều người không những ở địa phương mà còn ở các huyện khác đến mô hình chăn nuôi của chị để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, chị luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập, áp dụng vào sản xuất
Ghi nhận về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, trong nhiều năm liên tục, chị Nguyễn Thị Duyên đã được các cấp hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen và mới đây chị được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Các chuyên gia cũng cảnh báo về loại hoá chất có thể được dùng bảo quản hoa quả có tên là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn nhất tỉnh, khoảng 500ha, trong đó diện tích khai thác là 300ha, tập trung chủ yếu ở các xóm như Minh Hòa, Minh Hợp, Minh Thành, Minh Thọ… Các năm trước, mủ cao su được giá nên nhà nào cũng phấn khởi mỗi khi đến kỳ cạo mủ nhưng năm nay thì ngược lại.

Tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, không khí nhộn nhịp ngày nào nay ảm đạm đến lạ kỳ. Anh Phan Văn Dũng, một lao động tại cảng, cho biết mấy tháng nay tiền bốc xếp cá sụt giảm bởi lượng cá về cảng ít quá.

Chỉ cần mua 200kg lươn giống nuôi trong sáu tháng sẽ có lời 100-200 triệu đồng. Lời quảng cáo này đã đẩy nhiều nông dân vào cảnh đổ nợ.

Hội thảo “Mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn (giổi xanh) năm thứ 2 được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh phối hợp xã Thanh Hưng và Thanh Chăn, huyện Điện Biên tổ chức ngày 2/10. Mô hình đầu tư từ nguồn vốn của TTKN Quốc gia, qui mô 28,5ha với 70 hộ tham gia (Thanh Chăn, 14,5ha, 35 hộ; Thanh Hưng 14ha với 35 hộ).