Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nuôi Cá Rô Đồng

Làm Giàu Từ Nuôi Cá Rô Đồng
Ngày đăng: 08/10/2013

Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Chí Hòa (Hưng Hà - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi cá rô đồng của ông Bùi Văn Tài, thôn Vị Giang là một điển hình. Nhờ nuôi cá rô đồng mà đến nay gia đình ông Tài đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em ở Chí Hòa, năm 1978 ông Tài lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự tại Binh chủng Thông tin (Quân Khu 3). Ðến năm 1983, ông phục viên trở về quê xây dựng gia đình và tập trung phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng, cuộc sống bấp bênh. Thấy mình và những người nông dân khác vất vả mà vẫn nghèo, nhiều đêm ông trăn trở làm thế nào để thoát nghèo trên mảnh đất chiêm trũng này và cuối cùng ông cũng tìm ra hướng đi.

Năm 1994, ông đề nghị với UBND xã cho đấu thầu gần 2 ha đất ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo, chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế VAC. Hai vợ chồng ông mất cả năm trời chung lưng đấu cật để cải tạo hơn 1 ha ruộng trũng đổ đất nâng cao mặt nền trồng các loại cây ăn quả như: cam, quýt, nhãn hương chi, tre Bát Ðộ lấy măng; hơn 3 sào đất trũng ông thuê người và máy móc đào ao thả các loại cá truyền thống như chép, trôi, mè, rô phi…

Trải qua bao khó khăn vất vả ban đầu, không nản lòng trước những thất bại, ông tiếp tục tìm kiếm tài liệu về các loại cây ăn quả và kỹ thuật chăn nuôi cá. Qua đó ông nhận thấy mô hình nuôi cá rô đồng rất phổ biến ở các tỉnh lân cận, dễ nuôi mà cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2005, ông đưa vào nuôi thử nghiệm trên diện tích 3 sào ao. Sau thời gian hơn 4 tháng, nuôi bằng thức ăn gạo, ngô nghiền trộn với thức ăn công nghiệp, mật độ nuôi 30 - 40 con/m2 ông Tài thu được hơn 5 tạ cá thịt, với giá bán tại ao cho các thương lái từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, gia đình ông thu được trên 40 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, ông còn lãi 20 triệu đồng. Ngoài ra, từ lứa cá này, ông Tài chọn được hàng trăm cặp cá bố mẹ để sinh sản, tự chủ động con giống cho những năm sau.

Tới năm 2009, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông tiếp tục cải tạo 7 sào đất đào ao thả cá, đưa tổng diện tích ao nuôi cá rô đồng của gia đình lên đến 1 mẫu. Nhờ chủ động được con giống khỏe mạnh, nắm vững kỹ thuật chăm sóc cá rô đồng nên hàng năm cho thu hoạch 4 tấn cá thịt, sau khi trừ các khoản chi phí lãi gần 200 triệu đồng.

Với gần 10 năm kinh nghiệm nuôi cá rô đồng, ông Tài cho biết: “Cá rô đồng là loài dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi cá rô đồng có thể tận dụng các nông sản làm thức ăn cho cá, ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên giá thức ăn công nghiệp cao nên bà con có thể tận dụng các phụ phẩm, đồ thừa từ bữa ăn của gia đình nấu với cám làm thức ăn cho cá. Mỗi năm, có thể nuôi từ 1 đến 2 lứa cá, lứa thứ nhất bắt đầu ương giống từ tháng 5 âm lịch và nuôi tới tháng 11 là có thể được thu hoạch, lứa thứ 2 bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch”.

Từ thành công nhờ nuôi cá rô đồng, khi đã có vốn, ông tiếp tục đầu tư trồng hơn 100 trụ thanh long, nuôi 50 cặp bồ câu cung cấp bồ câu giống cho thị trường với giá 250.000 đồng/đôi, 20 con cá sấu thịt. Nhờ cần cù, chăm chỉ lao động cộng với niềm đam mê học hỏi, xây dựng mô hình VAC có hiệu quả, hiện nay thu nhập của gia đình ông không dưới 250 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Tài cho biết, từ khi bắt tay vào làm mô hình VAC, khu vườn của gia đình ông xuất hiện hàng nghìn con cò đến trú ngụ. Nhất là từ khi ông đưa giống tre Bát Ðộ vào trồng thử nghiệm. Ðến nay, gia đình ông đã dành một phần diện tích để làm nơi trú ngụ cho đàn cò, bởi theo ông “đất lành chim đậu”. Trong thời gian tới, ông rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với gia đình mở rộng diện tích, bảo vệ đàn cò để có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái phục vụ du khách địa phương và các tỉnh thành lân cận.


Có thể bạn quan tâm

Công bố kết quả đề tài khoa học lúa tôm Công bố kết quả đề tài khoa học lúa tôm

Ngày 11/6, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau tổ chức công bố kết quả đề tài khoa học “Tác động tích cực của giống lúa ARIZE B – TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm – lúa các tỉnh Kiên Giang, Bạc liêu và Cà Mau” do Công ty Bayer Việt Nam chủ trì.

16/06/2015
Hạn chế bệnh chết nhanh hồ tiêu Hạn chế bệnh chết nhanh hồ tiêu

Chết nhanh là bệnh hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây hồ tiêu. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.

16/06/2015
Hiệu quả từ mô hình 3 giảm 3 tăng Hiệu quả từ mô hình 3 giảm 3 tăng

Mô hình 3 giảm 3 tăng (3G3T) trong sản xuất lúa giúp nông dân từng bước tiếp cận với những phương thức, kỹ thuật canh tác lúa đem hiệu quả kinh tế cao, hiện mô hình này giúp nông dân ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

16/06/2015
Ngô có bắp nhưng không hạt do nắng nóng ở Hà Giang Ngô có bắp nhưng không hạt do nắng nóng ở Hà Giang

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích lúa, ngô, đậu tương ở tỉnh Hà Giang bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Nặng nhất là ở hai huyện phía tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần có hàng trăm ha ngô đến kỳ cho thu hoạch người dân mới phát hiện ra bắp ngô chỉ có nõn chứ không có hạt hoặc có cũng rất ít.

16/06/2015
Nông dân kêu cứu vì lúa bị chết Nông dân kêu cứu vì lúa bị chết

Liên tục các vụ sản xuất lúa gần đây, nông dân ở xã Long Khánh A và Long Khánh B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) “đau đầu” khi xuống giống xong, lúa không đâm chồi, chết cây giai đoạn mạ hoặc một số diện tích khác khi trổ chín bị rụt bông, không thu hoạch được.

16/06/2015