Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nấm Linh Chi

Làm Giàu Từ Nấm Linh Chi
Ngày đăng: 18/08/2014

Qua nhiều năm trồng các loại cây như cao su, điều… anh Mai Ngọc Thủy ở xã Long Bình (Bù Gia Mập) quyết định chuyển sang trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu ở Bình Phước rất ít người trồng được. Sau 2 năm gầy dựng anh Thủy sở hữu trang trại trồng nấm linh chi thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Thủy cho biết: “Tháng 8-2012, sau khi được một người thầy ở Bình Dương truyền nghề, tôi bắt đầu mê những tai nấm màu đỏ. Tôi nghĩ tại sao mình không mở một trại trồng nấm trên đất Bình Phước?”. Nghĩ là làm, anh thuê đất tại xã Phước Tín (TX. Phước Long) dựng trại trồng nấm.

Ban đầu chưa có nhiều vốn, anh làm mô hình nhỏ với 40 ngàn bịch phôi nấm linh chi. Lứa đầu, nấm ra đạt hơn 90%, anh thu hơn 6 tạ nấm khô trị giá hơn 300 triệu đồng.

Thành công, anh Thủy quyết định vay vốn ngân hàng để mở rộng trang trại trồng nấm với chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, gồm 3 trại nấm, một lò hấp khử trùng và một lò cấy mô.

Chuyển về địa điểm mới rộng hơn, hiện trang trại của anh có hơn 170 ngàn bịch phôi. Thời điểm này, 2 trại vừa cho thu hoạch, những bịch phôi cũ được tháo xuống chất thành đống, bán lại cho những trại trồng nấm ăn. Trại lớn có hơn 100 ngàn bịch phôi, đang chuẩn bị cho ra nấm.

Anh Thủy cho biết thêm, để có lứa nấm thành công thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu trồng nấm phải là mùn cưa cao su, vì gỗ cao su mềm rất hợp để nấm phát triển. Trước khi đưa mùn cưa vào bịch phải qua xử lý vôi và phân DAP. Sau đó, đóng vào bịch ni-lon trọng lượng 1kg và dùng nắp nhựa đậy kín. Để có mùn cưa trồng nấm anh Thủy đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất gỗ ở tỉnh Bình Dương.

Sau khi đóng gói nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp khử trùng. Những bịch mùn cưa được hấp trong 12 giờ với nhiệt độ khoảng 100oC. Sau đó đưa ra, chờ nguội hẳn mới cấy mô. Cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc. Nấm đậu hay không có thể biết được sau một tuần theo dõi.

Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi. Bịch đạt yêu cầu thì những tơ nấm phát triển từ từ. Loại nấm này ưa ẩm, sau 1,5 tháng bắt đầu tưới nước, một ngày tưới khoảng 5 phút buổi sáng và 5 phút buổi chiều khi tắt nắng, không tưới trực tiếp lên tai nấm mà phải sử dụng hệ thống phun sương. Nấm trồng hơn 3 tháng cho thu hoạch.

Với 100 ngàn bịch phôi, anh Thủy thu hơn 3 tấn nấm tươi. Nấm tươi được phơi dưới ánh nắng trực tiếp 2 ngày có thể bán giá sỉ (600 ngàn đồng/kg). Sản phẩm làm ra đều được bán cho các công ty dược tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo anh Thủy: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng thì khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi.

Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”.

Hiện trên địa bàn tỉnh, anh Thủy là người duy nhất làm được tất cả các khâu từ chuẩn bị tới khi thu hoạch với quy mô lớn. Một số trại nhỏ thường xuyên mua lại những bịch phôi do anh cấy ghép về trồng. Trại nấm của gia đình anh Thủy mỗi năm cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.

Theo các tài liệu về khoa học đông y, các hoạt chất trong nấm linh chi có công dụng: Hỗ trợ điều trị hiệu quả các chứng bệnh như: Gút (gout), thiểu năng tuần hoàn não, huyết áp, mỡ máu, suy nhược thần kinh, gan, thận, giảm quá trình lão hóa của cơ thể, các bệnh về khớp ở người cao tuổi, xơ cứng động mạch, tiểu đường; giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng đỡ thể trạng, bồi bổ cơ thể, đặc biệt thành phần polysarccharides trong nấm linh chi có tác dụng khống chế sự phát triển của các tế bào bất thường (tác nhân gây ung thư, bướu) nên còn được sử dụng trong việc ngăn ngừa ung thư, ung bướu và hỗ trợ điều trị sau hóa trị, xạ trị...


Có thể bạn quan tâm

Trắng Tay Vì Hành Tây Trung Quốc Lũng Đoạn Thị Trường Trắng Tay Vì Hành Tây Trung Quốc Lũng Đoạn Thị Trường

Rất nhiều nhà vườn, thương lái tích trữ hàng trăm tấn hành tây tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chờ cơ hội tăng giá để kiếm lời, nay trở nên trắng tay. Nguyên nhân là do hành cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường, bán với giá rẻ mạt, khiến hành tây Đà Lạt không còn chỗ đứng.

03/06/2014
Nhiều Giải Pháp Thực Hiện Tái Cơ Cấu Ngành Hàng Cá Tra Của Tỉnh Đồng Tháp Nhiều Giải Pháp Thực Hiện Tái Cơ Cấu Ngành Hàng Cá Tra Của Tỉnh Đồng Tháp

Chiều ngày 30/5, đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Đồng Tháp về tình hình triển khai, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN); tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh.

03/06/2014
Tập Trung Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tập Trung Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi

Thời gian này đang là vụ nuôi tôm chính trong năm, song ở nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm, lại đang bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho hàng nghìn ha nuôi tôm của bà con nông dân. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Phó Cục trưởng Thú y Dương Tiến Thể về tình hình dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn dịch lan rộng.

03/06/2014
Thương Hiệu Hóa Cá Tra Thương Hiệu Hóa Cá Tra

Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mới được ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, đang thu hút sự quan tâm của giới thương nhân, người nuôi... Theo đó, hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra thương phẩm là một ngành kinh doanh có điều kiện. Con cá tra Việt Nam được gắn “vòng kim cô” tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc...

03/06/2014
Ninh Thuận Chủ Động Chăm Sóc, Phòng Bệnh Gia Súc Trong Mùa Khô Hạn Ninh Thuận Chủ Động Chăm Sóc, Phòng Bệnh Gia Súc Trong Mùa Khô Hạn

Nắng nóng, thiếu nước uống và thức ăn đã làm cho gia súc tại một số địa phương bị chết hàng loạt. Việc phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc trong điều kiện khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt như hiện nay là điều hết sức cần thiết.

03/06/2014