Đổ Xô Trồng Tiêu Khiến Diện Tích Bị Nhiễm Bệnh Tăng Mạnh

Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng cao khiến người dân đổ xô trồng tiêu không theo quy hoạch, trồng cả ở những vùng thấp, không thoát nước. Điều này đã dẫn tới tình trạng tiêu bị bệnh và chết. Diện tích vườn tiêu bị bệnh hiện đã lên tới 10-15% tổng diện tích canh tác.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đưa ra trong buổi họp tháng về an toàn thực phẩm do Bộ NNPTNT tổ chức sáng ngày 25-9 tại Hà Nội.
Theo ông Hồng, hiện giá hồ tiêu đang ở mức rất cao. Nếu như năm 2006 giá hồ tiêu vào khoảng 1.600 đô la Mỹ/tấn thì nay đã tăng lên 7.500 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá tăng mạnh như vậy, nông dân nhiều vùng đã đổ xô đầu tư, mở rộng diện tích trồng tiêu, hiện cả nước đã có trên 62.000 héc ta trồng tiêu.
“Việc người dân trồng tiêu không theo quy hoạch, trồng ở cả vùng đất thấp, không thoát nước đã dẫn tới tình trạng tiêu bị bệnh và chết. Hiện đang có 10-15% diện tích tiêu bị bệnh, trong đó bệnh chết nhanh, chết chậm chiếm khoảng 7,5%” – ông Hồng nói.
Hơn nữa, theo ông Hồng, người trồng tiêu đang lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây tiêu, đặc biệt là những hộ nông dân mới trồng chưa nắm bắt được kỹ thuật.
Trước cảnh báo của một số nước nhập khẩu hồ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Cục BVTV đã lấy 30 mẫu hồ tiêu để kiểm tra, phát hiện ra 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, chiếm 3,3%.
Để quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Cục đang soạn thảo Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật nhằm siết chặt lại công tác quản lý, đồng thời Cục cũng soạn thảo Quy chuẩn, tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 126.000 tấn, giá trị 926 triệu đô la Mỹ, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 7.280 đô la Mỹ/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hòa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ - 4 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 - chiếm đến 45,73% lượng tiêu xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Theo kế hoạch, năm 2014 tỉnh Ninh Bình phấn đấu nuôi trồng trên 11 nghìn ha thuỷ sản. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, ngay từ đầu năm, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa và cây màu vụ đông xuân, bà con nông dân trong tỉnh đang tích cực cải tạo ao, đầm, lấy nước và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết khác cho vụ sản xuất mới.

Từ năm 1990 đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng gấp 2, còn sản lượng tăng hơn 3 lần. Đây sẽ là mục tiêu được ngành Thuỷ sản ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Ngày 18/2, tại Ninh Thuận đã diễn ra Hội nghị Giao ban kế hoạch sản xuất và Quản lý chất lượng tôm giống do Tổng cục thủy sản tổ chức.

Hôm chúng tôi đến đúng vào lúc anh Hôn (Nguyễn Văn Hôn), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) hàu lồng xã Đất Mũi (Cà Mau) thả đợt giống hàu mới. Anh Hôn trải lòng về ý tưởng và tâm huyết của mình đối với nghề nuôi hàu lồng.

Dịch bệnh hoành hành, sức tiêu dùng sản phẩm thịt nội địa trong nước thấp, thịt nhập khẩu tăng… khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) năm nay có dấu hiệu chững lại.