Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Rắn Mối, Dế

Gia đình ông Hồ Ngọc Bình ở TDP 6, phường Hương Văn (TX Hương Trà) là một trong những hộ điển hình về mô hình nông dân làm giàu từ nuôi rắn mối, dế đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ bỏ nghề buôn bán khó khăn, chật vật, ông Bình mua các loại rau màu, cây chuối về trồng trên diện tích đất của gia đình, nhưng rất bấp bênh không đủ tiền chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Thế rồi dịp may khi ông được dự hội thi triển khai “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi rắn mối thương phẩm, sinh sản cho nông dân phường Hương Văn” đầu tiên của tỉnh Thừa Thiện Huế do hội Nông dân thị xã Hương Trà tổ chức và tham quan học hỏi một số mô hình chăn nuôi hiệu quả. Sau khi trở về, ông xoay xở vốn mua 2.000 con rắn mối bố mẹ về thả nuôi, đến nay ông đã trở thành một chủ cơ sở chăn nuôi rắn mối, dế với doanh thu khá ổn định, nổi tiếng với cách làm giàu táo bạo cần được học hỏi.
Trang trại của ông Bình có diện tích khoảng 100m2, với hơn 5.000 con rắn mối lớn nhỏ và 6 thùng dế. Thời gian đầu nuôi đối tượng mới, ông không khỏi băn khoăn về cách thức cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại cũng như tạo độ ẩm và sinh đẻ của rắn mối. Qua tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông, dần dần ông bắt nhịp được cách nuôi và nhu cầu của thị trường, đến nay ông tương đối thành công với mô hình nuôi rắn mối và dế này.
Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế TX Hương Trà cho biết: “Năm 2013, phòng tuyển chọn 3 mô hình (rắn mối, lợn rừng và nấm sò nấm rơm), các mô hình bắt đầu cho tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, mô hình rắn mối của ông Hồ Ngọc Bình ban đầu triển khai nuôi theo dự án 2.000 con nay đã lên đến 5.000 con và xuất bán hơn 1.000 con với giá 400.000 đồng/kg. Dế thương phẩm bán với giá 350.000 đồng/kg. Bước đầu, mô hình nuôi rắn mối, dế của ông Bình hiệu quả. Rắn mối là một một đặc sản và thực phẩm chữa bệnh (chữa bệnh hen suyễn và suy dinh dưỡng cho trẻ em đã được y học chứng minh) nên cung không đủ cầu”.
Ông Bình được dự án vốn sự nghiệp KHCN TX Hương Trà hỗ trợ hơn 41 triệu đồng, ông bỏ thêm kinh phí đầu tư xây dựng được hệ thống chuồng nuôi hơn 60 triệu đồng. Chuồng nuôi được chia thành 4 loại khung để nuôi, khung bố mẹ, khung đẻ, khung con, khung dự phòng.
Xung quanh chuồng được che bằng tôn, có dán gạch men tạo độ láng cho rắn khỏi ra ngoài, phía trước cao 60cm, phía sau cao 1,2m, tầng trên được che bằng lớp tôn xi măng, chuồng làm theo mô hình khép kín nửa hở, nửa kín có ánh nắng vào có trồng cỏ dưới mặt đất để cho rắn mối ra vào.
Theo ông Bình, thức ăn chủ yếu của rắn mối được chia thành 2 buổi, sáng và trưa, buổi sáng cho ăn cơm với lòng đỏ trứng gà trộn lẫn vào nhau, buổi trưa cho ăn các loại cá, cơm nguội, dế, châu chấu, cám, trái cây chín, tép lúc trời nắng rắn ăn rất mạnh, phải làm vệ sinh khô hàng ngày và vệ sinh ướt 3–4 ngày/lần.
Rắn mối con lúc mới đẻ đến khi nuôi trưởng thành khoảng 1,5 năm, mỗi năm rắn đẻ 2 lần, trung bình là 5-7 con, một số con đẻ tốt 14–15 con. Sưởi ấm rắn bằng cách lấy lá chuối khô hoặc lá dừa khô đặt vào trong chuồng và cũng là nơi sinh sản lý tưởng cho rắn, sau khi sinh sản cần bắt rắn mối con chăm sóc riêng. Trang trại của ông Bình đang tiêu thụ rất mạnh giá thịt bán ra ngoài thị trường 360.000 đồng-400.000 đồng/kg/25-30 con.
Ông Bình cho biết: “Hàng ngày có khách hàng đến mua rắn thương phẩm, chủ yếu là nhà hàng trên địa bàn TX Hương Trà, TP Huế và tỉnh Quảng Trị. Nhiều lúc, không đáp ứng nhu cầu mua của bạn hàng phải chờ đến hai hoặc ba ngày sau. Thời gian tới tôi dự định đầu tư, mở rộng chuồng trại và nuôi số lượng rắn mối, dế nhiều hơn”.
Ông Lê Khắc Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Văn trăn trở: “Bước đầu, mô hình của ông Bình khá thành công. Thời gian đến, để đáp ứng nhu cầu nuôi của bà con nông dân và chính quyền địa phương mong muốn ngày càng có nhiều nông dân làm giàu từ nuôi rắn mối và được nhân rộng tại địa phương”.
Mô hình nông dân làm giàu từ nuôi rắn mối của gia đình ông Hồ Ngọc Bình là một trong những mô hình nông dân làm giàu từ nuôi rắn mối bước đầu có hiệu quả, có thu nhập cao cần được nhân rộng. Thịt rắn mối được chế biến rất nhiều món ăn hấp dẫn, như rắn mối, chiên giòn, cháo, hầm sả ớt, nướng chao, xào nghệ, gỏi, xào sả ớt, nướng lá cách và đặc biệt thịt rắn mối dai, có vị thơm, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho con người.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), năm 2011 Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm” tại xã Năng Khả, huyện Na Hang với diện tích 0,5 ha, số lượng cá giống thả nuôi là 10.000 con, có 10 hộ gia đình tham gia. Sau 5 tháng thực hiện mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng làm kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Na Hang.

Nằm trong “Chương trình khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Chương trình ứng dụng khí biogas an toàn sinh học được tổ chức thí điểm cho 22 hộ chăn nuôi gia súc ở xã An Nông, huyện miền núi Tịnh Biên, An Giang đã thành công.

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long lũ lớn, giá các loại rau màu tăng mạnh, người trồng màu lãi khá nên rất phấn khởi. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành – vùng trồng màu nổi tiếng tỉnh Tiền Giang, trong mấy ngày qua hầu hết các loại rau đều hút hàng, giá tăng gấp nhiều lần so với trước lũ

Tuy là năm đầu tiên triển khai thí điểm nhưng mô hình “vỗ béo” cua đồng ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả đáng kể. Nhiều hộ chỉ với 1.000m2 ao nuôi nhưng qua khoảng 5 tháng đã thu được lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng

Họ là cán bộ, chiến sĩ Hải quân Công ty Hải sản Trường Sa Đoàn 129. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, nuôi cá lồng ở Trường Sa góp phần quan trọng trong cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần bộ đội, khẳng định ý chí làm chủ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng kinh tế quốc phòng vững chắc.