Làm giàu từ mô hình nuôi gà trắng trong trại lạnh

Nuôi gà trong trại lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao
Vốn là công nhân Công ty dâu tằm tơ, sau khi công ty này giải thể, anh Lục Văn Tâm nghỉ ở nhà và bắt tay vào chăn nuôi gà trắng.
Đó là năm 2003, với số vốn tích lũy được, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu kỹ thuật nuôi, anh đầu tư nuôi 8.000 con gà trắng.
Đàn gà được nuôi quay vòng, cứ hết lứa này đến lứa kia xuất đi và cũng tăng theo thời gian, từ 8.000 con ban đầu, đến năm 2005 là 17.000 con và năm 2011 là hơn 30.000 con.
Nhưng lúc đó, chỉ là nuôi gà trắng thịt theo hình thức thủ công.
Mặc dù trong suốt quá trình nuôi, vợ chồng anh không gặp rủi ro gì nhưng năng suất và thu nhập theo hình thức này là không cao.
Sau một thời gian xuống tận các địa phương như Đồng Nai, Bình Phước… những nơi tiên phong trong việc nuôi gà trắng trong trại lạnh để tìm hiểu, nhận thấy mô hình này thật sự mang lại hiệu quả cao, năm 2011, anh quyết định đầu tư xây trại lạnh để tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi gà trắng.
Trại gà lạnh của gia đình anh dài 120 mét và rộng 12 mét, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, khép kín.
Tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định.
Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái.
Với trang trại này, mỗi năm anh Tâm xuất được 5 lứa gà, mỗi lứa như vậy anh Tâm thả được 15.000 con và chỉ nuôi trong khoảng 40 ngày là xuất, với trọng lượng đạt trung bình 3kg/con.
Dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, anh Tâm cho biết: “Mô hình này tuy ban đầu chi phí đầu tư khá cao nhưng lại rất “chắc ăn”.
Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh, đều và hầu như không có bệnh tật gì.
Công việc chăm sóc gà cũng khỏe hơn nhiều so với nuôi gà theo mô hình chuồng hở”.
Anh Tâm cũng cho biết thêm, vốn đầu tư ban đầu khoảng gần 2 tỷ đồng/trại.
Đổi lại, hiệu quả kinh tế cao thấy rõ, mỗi năm, trừ hết chi phí, vợ chồng anh thu về khoảng 600 triệu đồng.
Làm một phép tính so sánh giữa việc nuôi gà trắng trong chuồng lạnh với nuôi gà trắng theo hình thức mở như trước kia, anh Tâm khẳng định, việc chuyển hướng làm ăn của mình như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn.
Bởi, năng suất đạt trung bình của mỗi lứa gà khi nuôi trong trại lạnh là từ 90 - 95% (trước đây chỉ đạt khoảng 80%); thời gian nuôi cũng ngắn ngày hơn (chỉ 40 ngày, trước kia là 45 ngày)… Ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi gà chuồng lạnh cũng giảm thiểu rất nhiều nguy cơ dịch bệnh do khâu vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo và giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nuôi gà phòng lạnh còn tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức của người nuôi do có hệ thống cho ăn tự động.
Mỗi trại gà chỉ cần 2 công nhân là có thể đảm nhiệm hết công việc hàng ngày.
Ngoài ra, do xây dựng kiên cố nên thời gian sử dụng trại gà lạnh có thể lên tới 10 - 15 năm, trong khi trại gà hở chỉ sử dụng được 2 - 3 năm là xuống cấp, có khi phải làm lại.
Trước hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, anh Tâm cũng vừa đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một trang trại nữa với diện tích dài 120m và rộng 14m và cách đây vài ngày, anh cũng vừa thả lứa gà đầu tiên 17.000 con vào trại mới này.
Song song với việc nuôi gà, vợ chồng anh Tâm còn trồng thêm laghim như cải thảo, củ dền… trong trang trại khép kín rộng 2,3ha của mình.
Nguồn chất thải từ trại gà được anh tận dụng, xử lý, rồi bón cho laghim.
Mỗi năm, từ việc chăn nuôi gà, trồng laghim cũng đem lại thu nhập cho gia đình anh trên dưới 1 tỷ đồng.
Có thể nói, mặc dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng mô hình nuôi gà trong trại lạnh hiện đang là hướng đi bền vững cho các hộ chăn nuôi gà, mở ra hướng làm giàu mới cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Anh sử dụng gà trống chọi địa phương cho lai với gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản (tỷ lệ 12 con gà mái/1 gà trống). Gà Lương Phượng sinh trưởng, phát triển khỏe, sức đề kháng tốt và bắt đầu đẻ trứng sau 6 tháng nuôi. Anh Quang cho biết: "Hằng ngày, đàn gà Lương Phượng của gia đình tôi đẻ trứng đạt tỷ lệ từ 75-80%, tương đương với giống gà lấy trứng thương phẩm CP, nhưng quả trứng to và đều hơn. Trứng ra bao nhiêu đều được chủ các lò ấp nở ở huyện Gia Lộc đặt mua hết với giá khoảng từ 3.500-4.000 đồng/quả.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng canh tác gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Tiền Giang chỉ gieo sạ 78.500 ha, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích giảm trên được chuyển đổi sang trồng màu tết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc cây trồng phù hợp khác.

Trồng tre điền trúc lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ấp 2 và ấp 3, xã Thành Tâm (Chơn Thành - Bình Phước). Năm nay mùa mưa đến sớm, mưa nhiều nên được mùa măng.

Trước kia, người dân xã Hồng An (Hưng Hà - Thái Bình) chủ yếu thu nhập từ 2 vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa dạng các loại cây rau màu giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng rau màu cho thu nhập cao, ổn định, bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Chương trình “1 phải, 5 giảm” (1P5G) ngày càng được nhiều nông dân huyện Châu Thành (An Giang) áp dụng. Bởi, chương trình không những tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nông dân.