Làm giàu từ mô hình nuôi cá truyền thống

Về xã Thái Thành hỏi thăm khu vực chuyển đổi của gia đình anh Phạm Trọng Ruân người dân ở đây ai cũng biết. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện nay anh đã là chủ một khu nuôi thủy sản rộng lớn và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm cho gần 10 lao động trong xã với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đầu năm 2004, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh Ruân đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 1ha đất để xây dựng mô hình kinh tế mới, kết hợp giữa nuôi cá truyền thống và chăn nuôi gia cầm.
Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng gia đình anh quá “liều” khi bỏ ra hàng chục triệu đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm. Nhưng với niềm tin và sự ủng hộ của người thân, sự giúp đỡ của bạn bè, anh bắt tay vào cải tạo khu đất thành khu chăn nuôi khang trang, sạch sẽ.
Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, anh thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Đến nay, anh đã đấu thầu và cải tạo được hơn 6ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi các loại cá có hiệu quả kinh tế cao như trắm đen, cá chép, cá vược...
Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi thường xuyên từ 2.000 - 3.000 con vịt đẻ. Hiện nay, từ mô hình nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi gia cầm, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng.
Theo anh Ruân, nuôi cá không khó nhưng cũng không dễ, khi thời tiết thay đổi cá dễ nhiễm bệnh. Ngoài thức ăn được xem là quan trọng thì vấn đề ao hồ cũng cần được quan tâm hàng đầu, nếu môi trường nuôi không bảo đảm sạch sẽ thì dễ gây bệnh cho cá.
Một số bệnh hay gặp là trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, bệnh gẻ hay còn gọi là hội chứng lở loét. Nguyên nhân để xảy ra các loại bệnh trên là do việc vệ sinh nguồn nước không bảo đảm sạch sẽ. Để phòng chống những bệnh này cần vệ sinh ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm nguồn nước sạch, cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao, cá khỏe sẽ có sức đề kháng tốt...
Ông Nguyễn Văn Tục, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thành cho biết: Đến nay, UBND xã đã vận động được 15 hộ tham gia chuyển đổi trên 20ha đất bãi, đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp. Bằng quyết tâm, nghị lực và sự cần cù, sáng tạo trong sản xuất, gia đình anh Ruân đã xây dựng được mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế, anh xứng đáng để bà con trong xã học tập, làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua ở Quảng Ninh nhiều giống thuỷ, hải sản giá trị cao được đưa vào nuôi trồng như: Tu hài, cua bể, cá cháp, cá vược… đã mở ra những hướng phát triển hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho bà con. Cũng giống như nghề nuôi trồng các giống thuỷ hải sản ở những địa phương khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm hùm đang là một nghề mới, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế ở Hải Hà.

Đó là chủ đề của Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 8, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh vào sáng 17-8. Diễn đàn thu hút khoảng 400 đại biểu là nhà khoa học đến từ viện, trường; các nhà quản lý; nông dân nuôi cá ĐBSCL, doanh nghiệp chế biến cá tra, sản xuất thức ăn thủy sản.

Nhu cầu thả nuôi tăng cao, trong khi đó nguồn con giống đang khan hiếm đã kéo giá tôm càng xanh giống liên tục tăng cao kể từ đầu vụ đến nay.

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết đang triển khai thí điểm mô hình nuôi 2.000 con cá sấu nước ngọt chất lượng cao tại trại cá sấu Tồn Phát (huyện Củ Chi).