Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm giàu từ mô hình nuôi cá giống

Làm giàu từ mô hình nuôi cá giống
Ngày đăng: 07/07/2015

Về xã Hưng Thủy, hỏi thăm khu vực nuôi cá giống của gia đình ông Võ Huy Lọng người dân ở đây ai cũng biết. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông đã chủ động chuyển đổi đất lúa kém năng suất thành ao hồ nuôi cá giống nước ngọt. Hiện nay, ông đã làm chủ một khu nuôi cá giống rộng lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khi chúng tôi tới nơi, bước lên từ ao cá, tay ông Lọng đang cầm mẻ lưới đầy ắp những con cá giống nhỏ cùng với tiếng nói cười rôm rả của người mua lẫn người đánh bắt cá. Chờ cho việc giao bán xong chúng tôi mới có cơ hội nói chuyện với ông. Ngồi nhâm nhi chén trà ông Lọng kể: “Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình tôi gặp không ít khó khăn, riêng năm đầu tiên tôi mất trắng 40 triệu đồng vì cá bị dịch bệnh.

Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm nuôi cá giống, tôi thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả, lúc đó mới tích lũy được kinh nghiệm như ngày hôm nay. Ban đầu, tôi chỉ nuôi với diện tích nhỏ, sau một thời gian thấy việc nuôi cá giống đem lại hiệu quả, tôi quyết định cải tạo 7 sào ruộng lúa thành thành ao nuôi các loại cá giống như cá mè, cá trôi, cá trắm, rô phi... Thấy thế chứ nghề này cũng làm giàu được cô ạ”.

Được biết, ông Lọng thường mua cá 3 đến 5 ngày tuổi từ Quảng Trị về rồi thả cá xuống ao ương khoảng 1 đến 1,5 tháng, sau khi cá lớn đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì giao cho thương lái. Thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ là cám viên nổi do một số công ty sản xuất hoặc bột, cám, gạo, ngô, bột đậu tự chế biến tại nhà.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, ông Lọng cho biết: “Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Ví dụ như lớp đáy lót ao tốt nhất là đất cát hoặc cát pha, độ dày lớp bùn đáy không quá 15cm. Ao có đường cấp và thoát nước chủ động, nước phải bảo đảm sạch, mỗi năm, cần được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột hoặc vôi nung để phòng trừ dịch bệnh. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khoẻ mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được, người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua”.

Để bảo đảm cá giống ít bị hao hụt khi vận chuyển xa, ông thường luyện ép cá bằng cách dùng cào tre kéo khắp ao làm cho ao sục bùn hoặc dùng lưới kéo cá dồn lại góc ao khoảng 20 - 30 phút rồi lại thả ra, làm liên tục trong vòng 1 tuần trước khi xuất bán, làm như vậy thì cá vận chuyển xa cũng không sợ bị chết. Sản phẩm cá giống của ông luôn được bà con nuôi thủy sản gần xa hết sức ưa chuộng và tin cậy vì uy tín và chất lượng luôn bảo đảm.

Hiện nay, cá giống của ông không chỉ dừng lại ở những hộ dân lân cận mà còn được chuyển đến những nơi xa như : Võ Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh), Phú Thủy (Lệ Thủy), vào tận Quảng Trị... những con cá giống được bảo đảm, tỉ lệ sống cao cho nên rất được khách hàng ở xa tín nhiệm. Mỗi năm, ông thu hoạch từ 10 - 12 lứa cá giống, thu về từ 100 đến 120 triệu đồng tiền bán cá.

Qua tìm hiểu thị trường, ông nhận thấy, những gia đình khá giả rất thích loại cá cảnh La Hán, loại cá này rất khó nuôi, đòi hỏi phải có kinh nghiệm cao, có vốn nên bước đầu ông mới nuôi thử nghiệm. Trong thời gian tới, ông sẽ mạnh dạn đầu tư loại cá này.

Để tăng thêm thu nhập, ông Lọng còn nuôi 20 con lợn thịt và 10 con lợn nái, thu lãi 10 - 12 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn mua thêm máy hút bùn ao hồ để phục vụ cho bà con địa phương. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông sau khi trừ chi phí được khoảng 120 - 150 triệu đồng. Với nguồn thu nhập đó gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi và lo cho con ăn học. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Lọng luôn tận tình giúp đỡ bà con, truyền đạt kinh nghiệm trong việc nuôi cá. Ông là tấm gương sáng để bà con nông dân học hỏi.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu tôm sang Mỹ nhiều triển vọng lạc quan Xuất khẩu tôm sang Mỹ nhiều triển vọng lạc quan

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ cho thấy tiêu thụ tôm trên đầu người ở nước này đang tăng.

13/11/2015
Xuất khẩu xoài sang Nhật Bản sẽ có đột phá vào 2016 Xuất khẩu xoài sang Nhật Bản sẽ có đột phá vào 2016

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, năm nay do thị trường Nhật Bản vừa mới mở cửa cho mặt hàng xoài Cát Chu của Việt Nam nên số lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng sang năm tới dự kiến sẽ có đột phá về xuất khẩu mặt hàng này.

13/11/2015
Doanh nghiệp nuôi tôm đầu tư lớn vào dự án nuôi công nghiệp Doanh nghiệp nuôi tôm đầu tư lớn vào dự án nuôi công nghiệp

Tại nhiều địa phương, DN nuôi tôm đã chủ động liên kết với nông dân, chính quyền địa phương, đầu tư mạnh vào các dự án nuôi tôm công nghiệp.

14/11/2015
Cá tra nguyên liệu liên tục giảm giá Cá tra nguyên liệu liên tục giảm giá

Theo các cơ sở nuôi cá giống huyện Hồng Ngự, hiện nay, giá cá tra bột giống giá từ 300 - 500đ/1.000 con; cá hương loại 2.000 con/kg giá 30 - 40đ/con; cá loại 1.000 con/kg giá 60 - 80đ/con...

14/11/2015
Người nuôi ốc hương chờ giá Người nuôi ốc hương chờ giá

Trung tuần tháng 7/2015, giá ốc hương 230.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 145.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều người nuôi ốc hương ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) tiếp tục nuôi chờ giá, trong khi đó, thức ăn cho ốc hương ngày một tăng.

14/11/2015