Làm Giàu Từ Đặc Sản Quê Hương

Quýt Bắc Sơn lâu nay đã trở thành thương hiệu, đặc sản của huyện Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung. Đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây quýt và điển hình trong số đó là hộ gia đình ông Đặng Văn Lương tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng.
Trước đây, gia đình ông Lương dù lao động rất chăm chỉ nhưng với nghề nông đơn thuần cũng chỉ đủ ăn từng bữa. Năm 1998, ông tham gia Hội Nông dân xã Chiến Thắng. Nhờ hoạt động tích cực, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc nên đến năm 2006, ông được chính quyền xã và nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch hội. Với trách nhiệm mới, quyết tâm vươn lên làm giàu của ông được thôi thúc.
Bởi ông suy nghĩ: đã được bà con nông dân tín nhiệm, bản thân ông phải làm được điều gì đó giúp bà con. Muốn vậy thì trước hết là phải phát triển kinh tế gia đình, phải vươn lên khá giả vừa ổn định được đời sống cho gia đình vừa tạo được uy tín với bà con.
Sau một thời gian trăn trở, ông cùng gia đình quyết định đầu tư vào phát triển cây quýt - cây trồng vốn đã gắn bó từ nhiều năm nay với người dân xã Chiến Thắng.
Khởi đầu, gia đình ông Lương có khoảng ba chục gốc quýt, nhưng do cây đã lâu năm, lại không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên chất lượng quả không cao, sản lượng thấp. Để khắc phục, ông dành nhiều thời gian đi thăm và học hỏi kinh nghiệm ở một số hộ đã trồng nhiều quýt trên địa bàn huyện, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức.
Nắm bắt được những kinh nghiệm thực tế và kiến thức khoa học cơ bản, ông bắt tay vào nhân rộng vườn quýt bằng hình thức chiết cành. Trong gần 2 năm, từ hơn 30 gốc quýt, vườn quýt nhà ông Lương đã tăng lên 400 cây, được chăm sóc tốt nên cây phát triển rất tốt, sau ba năm đã cho sản lượng và chất lượng quả cao. Trong 4 năm gần đây, vườn luôn có khoảng 300 cây cho quả. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 150 triệu đồng.
Thời điểm này đã bắt đầu vào vụ quýt 2014, dự kiến năm nay vườn quýt của gia đình ông sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ trông chờ vào cây quýt, với diện tích vườn sẵn có, gia đình ông đã đầu tư chăn nuôi đàn gà đẻ trứng và lấy thịt. Theo ông, đây cũng là một kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn mà ông áp dụng thành công.
Ông Lương chia sẻ: năm 2010, khi vườn quýt đã trưởng thành và cho thu hoạch ổn định, gia đình luôn duy trì đàn gà hơn 200 con thả trong vườn. Đàn gà vừa cho thu nhập đều đặn hàng tháng trong năm, tính trung bình mỗi năm, gia đình cũng thu được khoảng 50 triệu đồng.
Nhận xét về mô hình kinh tế của gia đình ông Lương, ông Dương Hữu Nhạc, Bí thư Đảng ủy xã Chiến Thắng cho biết: Mô hình kinh tế của gia đình ông Lương là điển hình của xã, cho thu nhập thuộc diện cao nhất nhì xã.
Quan trọng hơn, ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Lương còn là một người cán bộ Hội Nông dân mẫu mực, luôn trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, ông Lương rất hòa đồng, được người dân tin tưởng và yêu mến.
Ông thường xuyên giúp đỡ mọi người, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Tới đây, xã sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình kinh tế tổng hợp như của gia đình ông Lương tới một số hộ có đủ điều kiện trên địa bàn.
Nguồn bài viết: http://baolangson.vn/tin-bai/Nguoi-tot-viec-tot/lam-giau-tu-dac-san-que-huong/30-34-73367
Có thể bạn quan tâm

Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.

Người dân ở khu vực cầu La Ngà (huyện Định Quán) quen gọi anh Lê Hoàng Tuấn là Tuấn “cá bống” vì anh có hơn 20 năm chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cá bống giống và thu mua cá thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: “Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích lúa liên kết với doanh nghiệp trên 17.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 71.000 tấn.

Trong những ngày này, không khí lao động sản xuất vụ Đông của bà con nông dân huyện Vị Xuyên diễn ra hết sức sôi động. Trên khắp các cánh đồng vụ Đông, nông dân hăng hái làm đất, gieo cấy các loại cây trồng phù hợp và kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.