Làm Giàu Từ Chồn Hương Và Cà Phê Chồn

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.
Anh Tuân có 400 cặp chồn trưởng thành; mỗi năm sản xuất 2 tấn cà phê chồn (1 triệu đồng/kg); cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 100 cặp chồn các độ tuổi khác nhau; giá bán chồn bố mẹ 12 triệu đồng/cặp, một cặp chồn con 2 tháng tuổi 6 triệu đồng.
TỪ CHỒN HƯƠNG...
Không nhiều đất sản xuất, anh Tuân đã đầu tư kinh doanh điện thoại di động tại trung tâm xã Minh Lập (Chơn Thành). Do sự phát triển quá nhanh của thế giới di động nên thị trường điện thoại nhanh chóng bão hòa. Anh Tuân đã chuyển hướng kinh doanh sang mua đất làm trại nuôi chồn hương.
Anh Tuân nói: “Không có nhiều tiền mua đất trồng cao su nên tôi nuôi chồn hương. Tôi đã mua miếng đất (5mx50m) nằm sâu trong vườn cao su có giá rẻ. Không khí mát và yên tĩnh nên việc nuôi chồn rất thuận lợi”. Khi được hỏi tại sao anh không mua diện tích rộng hơn? Anh Tuân cười: Quan trọng là phải biết đầu tư con gì vào thời điểm này để trên diện tích nhỏ mà cho hiệu quả kinh tế cao.
Cuối năm 2008, anh Tuân bắt đầu nuôi chồn hương. Một cặp giống lúc đó có giá 12 triệu đồng. Gom góp vốn trong nhà và vay mượn thêm bạn bè gần 200 triệu đồng, anh xây 28 chuồng nuôi chồn hương và mua 14 cặp giống. Sau 1 năm, 14 cặp chồn sinh sản được 60 chồn con.
Lứa chồn đầu tiên anh bán để thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại. Sang năm thứ hai, các cặp chồn bố mẹ đẻ 2 lứa/năm, một lứa từ 4 đến 6 con, nguồn thu nhập của gia đình anh nhờ đó cũng tăng. Sang năm thứ ba, anh Tuân mở rộng quy mô chăn nuôi lên 180 chuồng/180 con và hiện tại đã lên 400 con.
Theo anh Tuân, chồn hương rất dễ nuôi, lại ít bị bệnh, tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Sau 1 năm nuôi, con đực trưởng thành nặng khoảng 5 - 7 kg, con cái 3 - 5 kg. Chồn ăn tạp, thức ăn là động thực vật, dễ tìm mua như: Chuột, trứng, rắn, ếch, đặc biệt là trái cà phê.
... ĐẾN CÀ PHÊ CHỒN
Cà phê chồn là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Khi có trong tay 180 con chồn trưởng thành, anh Tuân đã liên hệ với một số bạn trồng cà phê ở vùng Tây nguyên để sản xuất cà phê chồn. Anh Tuân cho biết: “Phong trào nuôi chồn hương kết hợp với sản xuất cà phê chồn tại một số tỉnh vùng Tây nguyên phát triển từ những năm 2004. Nhưng tại Bình Phước lúc mình bắt tay vào nuôi chưa có mô hình nào để học tập. Vì vậy, tôi phải đi học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương kết hợp làm cà phê chồn tại một số tỉnh khác”.
Cứ khoảng tháng 10 hàng năm, khi cà phê vào mùa thu hoạch, anh Tuân lại cho bầy chồn của mình di cư lên vùng nhiều cà phê để sản xuất cà phê chồn. Anh cho biết, chồn hương rất thích ăn quả cà phê và chúng cũng rất sành khi chỉ chọn những quả chín mọng, thơm nhất để thưởng thức. Điều đặc biệt là chúng chỉ tiêu hóa được phần cùi quả, còn lại những hạt cà phê sẽ thải ra ngoài theo phân và người ta thu gom, rửa sạch rồi đem chế biến. Khi qua dạ dày của chồn, hạt cà phê được lên men bằng một loại enzym đặc biệt, khiến những hạt cà phê này có hương vị đặc trưng. Hạt cà phê sau khi qua hệ tiêu hóa của chồn được loại bớt prôtêin, do đó giảm vị đắng sau khi rang.
Hiện anh Tuân đã có hai cơ sở nuôi chồn hương với 400 con trưởng thành. Trại nuôi chồn tại xã Minh Lập (Chơn Thành) chuyên cung cấp chồn giống cho thị trường; trại nuôi chồn ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chuyên sản xuất cà phê chồn. Anh Tuân đã ký hợp đồng cung cấp cà phê chồn dài hạn (2 tấn cà phê/năm) với một công ty chuyên sản xuất cà phê chồn.
Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Tuân đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình. Hiện có nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh đến liên hệ với anh Tuân để học tập kinh nghiệm và mua con giống.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 4.5, tại xã Cát Lâm (Phù Cát - Bình Định), Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Việt Nam tổ chức Hội thảo đầu bờ giới thiệu 3 giống bắp lai triển vọng CP331,CP333 và CP501 đã được 16 hộ dân ở địa phương sản xuất trên diện tích 2 ha (diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn) trong vụ ĐX 2014 - 2015.

Được sự giới thiệu của một số người bạn và sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con nông dân thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, chúng tôi dễ dàng tìm đến được mô hình trồng măng tây xanh của chị Phan Thị Điệu, một xã viên Hợp tác xã Phú Thái.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt gần 16.540 tấn với kim ngạch gần 43,3 triệu USD, giảm gần 250 tấn so với tháng 3-2015. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015 thì Đồng Nai xuất khẩu được hơn 66 ngàn tấn với tổng giá trị 154,3 triệu USD, đạt hơn 70% về lượng và trên 80% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Vài năm gần đây trên địa bàn huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng, nhiều hộ dân đã trồng loại cà tím giống mới của Thái-lan và Nhật Bản thay thế cho giống cà tím ruột trắng của địa phương, mang lại sản lượng và chất lượng cao hơn hẳn.

Một công ty Mỹ đang khởi công xây dựng nông trại lớn nhất thế giới rộng gần 7.000 m2, trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh, ước tính cung cấp hơn 900 tấn rau mỗi năm cho người dân thành phố Newark, bang New Jersey