Làm giàu từ cây chuối

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng anh Nghêu luôn tìm tòi học hỏi và từ chính những thử thách mà mình đã trải qua, anh thu nhận không ít kinh nghiệm sống để từ đó xoay xở làm giàu.
Anh Nghêu bắt đầu tìm ra hướng đi riêng cho bản thân vào năm 25 tuổi. Sau nhiều lần ra chợ xã, thấy cảnh thương lái tấp nập về đây thu mua chuối, anh tập tành làm theo.
Thế là từ đó, cùng chiếc xe đạp cũ, anh Nghêu đi khắp nơi thu mua chuối rồi chở xuống chợ Quảng Ngãi bỏ mối. Tiền lãi có được từ công việc này anh mua cá, mua mắm cải thiện bữa ăn gia đình.
Cái đói nhờ thế không còn đeo bám.
Buôn chuối được 4 năm thì anh Nghêu chuyển nghề. Bởi thấy anh Nghêu lanh lẹ, chịu khó học hỏi, UBND xã Sơn Trung khi có xuất học lái xe ô tô miễn phí, đã tạo điều kiện cho anh Nghêu theo học.
Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, anh Nghêu sớm cầm trên tay tấm bằng rồi dùng “chiếc cần câu” đó rong ruổi trên mọi nẻo đường làm anh tài xế xe tải.
“Tôi lái xe vào tận Quy Nhơn, Phú Yên rồi An Khê. Đi nhiều, hiểu biết thêm nhiều. Đến mỗi nơi tôi lại để ý ở đó người ta làm giàu như thế nào. Thấy có gì hay tôi lại xem mà học hỏi”, anh Nghêu chia sẻ.
Chẳng thế mà với 10 năm gắn bó với công việc lái xe tải, anh Nghêu đã tìm ra được một hướng đi mới nữa cho chính mình.
Nhiều lần được thuê chở hàng lên An Khê (Gia Lai), anh Nghêu thấy ở đây người ta trồng chuối tập trung trên diện rộng.
Chuối được chở đi bán khắp nơi, thậm chí được chở đi tiêu thụ tận Quảng Ngãi.
Ngẫm lại, anh thấy địa thế, địa hình ở đây cũng giống như ở thôn làng mình. Mình lại có kinh nghiệm mấy năm buôn bán chuối. “Vậy thì tại sao mình không tận dụng điều này”, anh Nghêu nghĩ.
Với 4ha keo của gia đình, sau khi thu hoạch, anh Nghêu dành 1ha để trồng chuối. Giống chuối hiện nay anh đang trồng là chuối Đồng Nai và chuối mật, đều là những loại chuối được thương lái thu mua với giá cao.
Anh Nghêu cho biết, chuối Đồng Nai trái to, mùi thơm hơn chuối mật, thường được dùng để làm kem, làm bánh mứt nên rất được ưa chuộng, có bao nhiêu đầu mối cũng thu mua hết.
Hiện tại giá chuối Đồng Nai bỏ sỉ trung bình 12 ngàn đồng/nhánh, còn chuối mật khoảng 8 ngàn đồng/nhánh.
Mỗi tháng, anh Nghêu chỉ thu hoạch hai lần vào đúng dịp rằm và mồng một. Với hơn bốn trăm gốc chuối, mỗi tháng đem về cho gia đình anh mức thu nhập hơn 5 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối, anh Nghêu cho biết: Anh đào hố có đường kính khoảng 80cm, sâu 80cm để tránh trôi rửa phân, dưỡng chất của cây trên địa hình dốc.
Mỗi gốc chỉ để hai thân để cây phát triển tốt. Bên cạnh đó anh Nghêu còn xây hai bể chứa dẫn nước từ thác về tưới cho cây.
Nhờ dày công chăm sóc mà vườn chuối của gia đình anh Nghêu ngày càng xanh tốt.
“Mỗi tháng có được nguồn thu ổn định lại không phải “nay đây mai đó”, mình lại có nhiều thời gian làm thêm những công việc khác.
Chiếc máy cắt lúa này mua để đến mùa gặt ai kêu thì cắt thuê, còn chiếc xe cọc cạnh thì để chở hàng.
Mình còn có thời gian lo ba đứa con học hành đàng hoàng. Đứa lớn nay đã học lớp 12 rồi. Sang năm, mình sẽ cho con thi đại học”, anh Nghêu phấn khởi nói.
Có thể bạn quan tâm

Thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi địa phương vùng ĐBSCL canh tác khoảng 20-30 giống lúa khác nhau cho mỗi vụ lúa. Nhiều ý kiến cho rằng: Trong cùng một cánh đồng, sản xuất nhiều giống khác nhau khiến chất lượng lúa gạo không đồng đều và giá trị thương mại của sản xuất lúa gạo không cao.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) triển khai thí điểm mô hình trồng nấm rơm bước đầu đem lại hiệu quả.

Khi nói đến cây Thanh long ruột đỏ, ít ai có thể tin rằng nó lại có thể bén rễ trên những mảnh đất vườn tạp, đất đồi của xã Tân Quang (Bắc Quang - Hà Giang). Từ những mô hình đầu tiên của Trạm Khuyến nông huyện trồng khảo nghiệm cách đây vài năm, đến nay đã có nhiều hộ mạnh dạn trồng loại cây này theo quy mô lớn.

Vì vậy, những thành công từ Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" giai đoạn 2011-2013 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện đã góp phần mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, tiến tới chủ động sản xuất hạt giống trong nước.

Tính tới thời điểm hiện tại, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã thả được 142ha tôm càng xanh, thấp hơn chỉ tiêu đề ra và giảm 18ha so với cùng kì năm trước.