Làm Giàu Trên Vùng Đất Khó

“Trong khi nhiều nông dân bám đồi, bám nương trồng sắn, trồng ngô quanh năm không đủ ăn thì gia đình anh Phạm Huy Khánh ở bản Rạng Đông lại mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt.
Sau thời gian dài bỏ nhiều công sức, đến nay, không những trang trại lợn của anh Khánh mang lại hiệu quả kinh tế mà anh còn là hộ có trang trại nuôi lợn thịt lớn nhất trên địa bàn xã”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Chiến, Chủ tịch UBND xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo khi nói về quá trình vươn lên làm giàu của anh Phạm Huy Khánh.
Là người quê gốc Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Rạng Đông nghèo khó. Trước đây, cuộc sống gia đình anh Phạm Huy Khánh còn trăm bề thiếu thốn. Chỉ vài nghìn mét vuông nương trồng ngô, trồng lúa nói đến nuôi 7 miệng ăn còn thiếu nữa chứ nói gì đến cảnh thoát nghèo.
Trăn trở nhiều đêm, năm 2004, anh Khánh quyết định về dưới xuôi chạy vạy vay mượn tiền của người thân rồi trở lại Điện Biên tìm hướng phát triển kinh tế. Ban đầu, anh mua 3 con bò giống về nuôi, do chưa nắm bắt được kĩ thuật chăm sóc, chỉ 4 tháng sau, đàn bò của anh đã mắc dịch bệnh. Không nản chí, anh Khánh tiếp tục chuyển sang nuôi lợn thịt và lần này thì thành công. Từ 4 cặp lợn giống ban đầu, qua mỗi năm sinh sản, đàn lợn lại tăng lên 15 đến 20 con.
Cứ thế đàn lợn của gia đình anh Phạm Huy Khánh không ngừng phát triển. Đến nay, gia đình anh có một trang trại lợn với hơn 100 con. Mỗi năm, trừ chi phí mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, số tiền từ bán lợn thịt lẫn lợn giống ra thị trường, anh Khánh thu lời 130 – 150 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Phạm Huy Khánh nói: Những ngày đầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, tôi cũng lo mình sẽ thất bại. Nhưng nếu cứ sợ thất bại mãi, bao giờ mới thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Bởi vậy, ngay sau khi triển khai kế hoạch nuôi lợn thịt, tôi đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giờ thì gia đình tôi đã thoát nghèo, không còn nợ nữa. Theo tôi, trên mảnh đất khó này, nếu ai có nghị lực, không nản chí trước khó khăn thì chắc chắn sẽ thành công.
Nói về anh Phạm Huy Khánh, ông Nguyễn Như Chiến đánh giá: Trang trại nuôi lợn thịt của gia đình anh Khánh là 1 trong 2 mô hình kinh tế của toàn xã mang lại hiệu quả, thu nhập cao. Nếu mô hình này được nhân rộng, đây sẽ là điều kiện tốt giúp người dân Rạng Đông từng bước làm giàu.
Từ sự thành công của mình, anh Phạm Huy Khánh đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ gia đình có mong muốn phát triển kinh tế theo mô hình nuôi lợn thịt như anh.
Tuy nhiên, hầu hết người dân ở xã Rạng Đông còn chưa mạnh dạn chuyển phương thức phát triển kinh tế, hoặc nếu có cũng chỉ phát triển nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư nhiều nên hiệu quả không cao. Hy vọng, thời gian tới, từ những kinh nghiệm mà anh Khánh chia sẻ và ý chí quyết tâm của người dân, xã Rạng Đông sẽ có nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

Tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX), DN sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí nếu so sánh với việc xin cấp chứng nhận xuất xứ như hiện nay. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký EFTA và VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Năm 2013, bí xanh được mùa, giá cao, lãi nhiều, điều này khiến nông dân nhiều nơi ở Hòa Bình đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2014, nhiều hộ gia đình lại “đỏ mắt” vì năng suất và giá đều giảm.