Làm Giàu Trên Quê Hương Biên Giới

Vài năm trở lại đây, kinh tế xã hội của xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã có những bước phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay giảm còn hơn 30%, trở thành xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành tựu đó là nhờ phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình mạnh mẽ trên địa bàn xã đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và trở nên khá giả. Trong đó, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ở bản Mường Nhé là một điển hình trong phát triển kinh tế hộ.
Quê hương ở vùng đất trung du Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình chị Hoa rất nghèo, tất cả chỉ trông vào mấy sào ruộng, dù năm nào được mùa đến mấy cũng chỉ đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Bằng phẩm chất cần cù, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thoát nghèo, năm 2006 qua người thân giới thiệu, vợ chồng, con cái nhà chị Hoa dắt díu nhau lên mảnh đất biên giới Mường Nhé lập nghiệp.
Sau gần 9 năm chịu thương chịu khó đến nay gia đình chị đã có một cơ ngơi đàng hoàng, con cái đều trưởng thành. Tất cả đều nhờ vào mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch và trồng rau sạch. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Khi mới lên đây lập nghiệp, mảnh đất này còn hoang vu lắm. Khu đất gia đình chị mua chỉ toàn tre nứa và đá, sỏi. Phải mất rất nhiều công sức cộng với sự cần cù, chịu khó gia đình chị mới tạo dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Trang trại của gia đình chị Hoa nằm ven tỉnh lộ Mường Nhé đi Điện Biên. Hiện khu chăn nuôi của chị có 6 con lợn nái và trên 100 con lợn thịt. Thức ăn của lợn được gia đình tự chế biến từ nông sản thu mua của dân sở tại. Nhờ vậy chi phí chăn nuôi thấp, thịt lại đảm bảo chất lượng. Do chủ động được nguồn giống và tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình nên từ trước đến nay trang trại của gia đình chị Hoa chưa từng xảy ra dịch bệnh. Mô hình trang trại được đầu tư xây dựng quy củ và sạch sẽ. Vấn đề xử lý chất thải và vệ sinh luôn được chú trọng, vì vậy môi trường không bị ô nhiễm.
Mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đinh chị thu lãi trên 150 triệu đồng. Bên cạnh việc chăn nuôi lợn, gia đình chị Hoa còn tận dụng chất thải của chăn nuôi để trồng hơn 10.000m2 các loại rau, màu cung cấp cho thị trường trong huyện. Vườn rau của gia đình chị nhờ được chăm sóc tốt nên lúc nào cũng có nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu hoạch từ trồng rau mỗi năm cũng đạt vài chục triệu đồng.
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Hoa luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con nông dân ở địa phương về con giống, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế của gia đình chị luôn là điểm đến của bà con trong xã và các khu vực lân cận để học tập kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, từ năm 2006, Lâm trường Lang Chánh được chuyển thành Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lang Chánh (gọi tắt là BQL) với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích 8.850,08 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có 3.936,838 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ).

Tỉnh ta xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực ở 11 huyện miền núi. Từ Nghị định 02 về giao đất, giao rừng đến các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng sản xuất 661, 147, rừng gỗ lớn... đã cho thấy bước chuyển mạnh mẽ của nghề rừng ở xứ Thanh.

Đặc biệt, mô hình cải tạo vườn tạp trồng cam, chanh và cây mắc ca, quy mô 4,2 ha tại 2 thôn Hang Cáu và Quạn (xã Vạn Xuân), với 65 hộ dân tham gia đã hoàn thành. Có 933 hộ dân ở các xã tham gia chương trình cải tạo vườn tạp. Khi tham gia, các hộ dân đã được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng tại vườn nhà.

Ngày 14.11, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết Thái Lan là quốc gia thứ 6 đồng ý bảo hộ nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột (Buonmathuot Coffee), cùng 5 nước trước đó là Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.

New Zealand là nước có nền sản xuất nông nghiệp sạch với nhiều tiêu chí rất khắt khe về chất lượng. Đợt này phía New Zealand đã chấp nhận mua đạm Phú Mỹ với giá cao hơn các sản phẩm cùng loại của các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.