Làm Giàu Trên Đất Nhiễm Phèn

Hiện tại anh Tuyên đang nuôi hơn một vạn con cá, gần 300 con ngan lấy thịt, hơn 400 con vịt đẻ trứng... thu lãi trên 200 triệu đồng.
Năm 2002, phong trào đi xuất khẩu lao động ở thôn Chi Ngàn, xã Đồng Lạc (Chí Linh - Hải Dương) phát triển rầm rộ, anh Nguyễn Trọng Tuyên đã cho vợ là chị Lê Thị Hải sang Nga cùng một số bà con trong thôn làm ăn, thực hiện ước mơ làm giàu.
Nhưng sau 5 năm bươn trải nơi đất khách quê người vận may vẫn không đến, chị Hải ra về với bàn tay trắng. Không chịu bó tay trước thất bại, anh lại tìm phương kế làm ăn mới: đào ao thả cá, nuôi ngan, vịt trên diện tích 2.000 m2 đất nhiễm phèn của gia đình ngay dưới chân đê sông Phả Lại cuối làng.
Anh đào gần 1.000m2 ao, xây hơn 300m2 chuồng nuôi gia cầm. Những khoảng đất trống anh trồng chuối, bưởi Đoan Hùng, ngoài nguồn lợi kinh tế còn tạo bóng mát cho đàn vịt, ngan tránh nắng mùa hè. “Vạn sự khởi đầu nan”, năm đầu anh gặp không ít khó khăn, khi gần đến vụ thu hoạch cá chết trắng ao; ngan, vịt chết hàng đàn, thua lỗ hàng chục triệu đồng. Tìm hiểu căn nguyên anh mới biết phần lớn là do môi trường nhiễm bẩn, và anh quyết tâm làm lại từ đầu.
Anh sang tận Bắc Giang học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của mấy người bạn thân, tham khảo thêm sách rồi quyết định cải tạo môi trường ao, hút cạn nước, nạo sạch bùn, rắc vôi bột, phơi ải hai tháng ròng sau đó mới đổ nước thả cá. Do địa hình không có nguồn nước đối lưu, nếu cứ để ao tù thì lại “xôi hỏng, bỏng không”, sau nhiều đêm trăn trở anh đã nghĩ ra “thượng sách” là khoan giếng ngay trên bờ, dùng máy bơm hút một tuần hai lần đổ nước trực tiếp vào ao tạo nguồn nước sạch bổ sung, thoát nước bẩn ra ngoài. Với đàn gia cầm, anh tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tiêm phòng.
Thành công bắt đầu từ đây, cá có môi trường nước sạch, tận dụng nguồn thức ăn thừa của ngan, vịt nên khỏe, nhanh lớn. Hiện tại anh Tuyên đang nuôi hơn một vạn con cá, chủ yếu là chép, trôi, mè, gần 300 con ngan lấy thịt, hơn 400 con vịt đẻ trứng, gần 500 vịt con gây kế tiếp đàn vịt đẻ. Mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng.
Phương thức chăn nuôi của anh đã thu hút nhiều hộ làm theo, anh lại có thêm cơ hội mở đại lý cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm tại nhà. Ai chưa có vốn, anh sẵn sàng giúp đến khi thu hoạch mới hoàn tiền, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn đã được anh tạo điều kiện phát triển chăn nuôi.
Sau 6 năm tích lũy từ chăn nuôi và kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, anh Tuyên đã xây được ngôi nhà vườn trị giá hơn một tỷ đồng. Nhà anh có đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Anh còn dự định cuối năm nay sẽ mua ô-tô tải để vận chuyển thức ăn chăn nuôi từ nhà máy về bán cho bà con trong vùng. Chia sẻ bí quyết thành công, anh Tuyên cho biết: “Phải có quyết tâm, không được nản chí trước những thất bại”.
Có thể bạn quan tâm

Trong 3 tháng kiểm tra 452 cơ sở sản xuất TACN, điểm kinh doanh, cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ và cửa hàng bán thịt, tỷ lệ vi phạm chất lượng TACN là 11,6%, chất cấm 5,2%; với nước tiểu heo 3,8% vi phạm chất cấm; với thịt, gan, thận tỷ lệ vi phạm kháng sinh 17,7%...

Tận dụng lợi thế diện tích mặt bằng rộng, không khí thoáng mát và trong lành của địa phương, những năm gần đây, gia đình anh Cù Văn Hải ở xóm Chi 8, thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông (Đông Triều - Quảng Ninh) đã chuyển đổi sang nuôi gà theo quy trình công nghệ tiên tiến và đã từng bước mang lại hiệu quả.

Từ kinh phí của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư Thừa Thiên Huế triển khai mô hình nuôi gà Ai Cập chuyên trứng sử dụng đệm lót sinh học với tổng số gà giống là 400 con. Tham gia mô hình trình diễn, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư thiết yếu và chế phẩm sinh học BalasaN01. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, làm đệm lót sinh thái, quy trình nuôi gà Ai Cập.

Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học được triển khai từ tháng 9 đến tháng 12-2014 tại xã Lực Hành (Yên Sơn - Tuyên Quang). Các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí như diện tích chuồng nuôi trên 20 m2, có lao động để chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, có vốn đối ứng khi tham gia mô hình, có kinh nghiệm trong chăn nuôi…