Làm Giàu Nhờ Trồng Xen Chanh Trong Vườn Cao Su

Anh Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình trồng xen cây chanh trong hơn 2 ha cao su của gia đình. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc tốt nên chanh luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao.
Thu nhập trên 150 triệu đồng/năm
Qua tìm hiểu, nhận thấy cây chanh có thể phát triển trên nền đất sỏi cơm nên năm 2010, anh Hùng về tỉnh Tiền Giang chọn mua hơn 1.000 cây chanh tàu bông tím (chanh tứ quý) về trồng xen trong diện tích hơn 2 ha cao su của gia đình.
Sau 12 tháng cần mẫn chăm sóc, cây chanh đã cho lứa hoa đầu tiên nhưng do thân cây còn nhỏ nên đến 18 tháng anh Hùng mới quyết định để cây nuôi trái.
Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chanh phát triển rất mạnh và cho năng suất cao. Với hơn 2 ha chanh trồng xen trong vườn cao su, mỗi năm gia đình anh Hùng thu hoạch hơn 20 tấn trái.
Với giá bán như hiện nay (trung bình 15 ngàn đồng/kg), anh Hùng nhẩm tính, 1 ha chanh trồng xen trong vườn cao su cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Anh Hùng còn có nguồn thu không nhỏ từ bán cây giống cho các nông hộ trong vùng và các khu vực lân cận. Từ đầu năm đến nay, anh đã cung cấp hơn 8.000 cây giống cho bà con, giá bán bình quân 12 ngàn đồng/cây.
Lợi cả hai giống cây
Anh Hùng cho biết, chanh tứ quý cho trái quanh năm, dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa đơn giản nhưng thu nhập từ cây trồng này khá cao nên nhiều nông dân đã chuyển từ trồng các loại cây ăn trái khác sang trồng chanh hoặc trồng xen thêm chanh.
Tuy nhiên, để cây chanh đạt năng suất, chất lượng, người trồng cần xử lý cho cây ra hoa tập trung, cho đậu trái nhiều vào một vụ chính từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm. Và để ra trái theo ý muốn, bà con cần áp dụng phun thuốc kích thích làm cho chanh rụng lá, ra đọt, bông.
Theo kinh nghiệm của anh Hùng, đất đai Bình Phước rất phù hợp cho việc trồng chanh. Khi trồng, cho một lớp phân đã trộn với đất vào hố sao cho khi đặt bầu cây thì mặt bầu ngang mặt mô, dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao ni-lon lên và lấp đất lại, tưới nước. Để đủ đất cho bộ rễ phát triển, hàng năm cần phải đắp đất thêm cho mô. Sau khi trồng nên cắm cọc giữ chặt cây con nhằm tránh gió, mưa làm lung lay bộ rễ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Chú ý không được lấp đất đến vị trí mắt ghép. Ngoài ra, đa số rễ chanh mọc cạn, nhiệt độ của đất cao trong mùa khô ảnh hưởng đến bộ rễ cây có múi, cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng cách tận dụng lá khô của cây cao su và tủ cách gốc khoảng 20cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi lá cao su khô bị phân hủy sẽ cung cấp mùn tạo độ phì nhiêu màu mỡ cho đất.
Anh Hùng cho biết: “Nông dân nên trồng xen cây chanh trong vườn cao su để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Trồng xen cây chanh vào các vườn cao su sẽ rất có lợi cho người trồng. Vì cây chanh có thể phát triển tốt trong vườn cao su, ngược lại cây cao su sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây chanh”.
Theo anh Hùng, chanh có thể ra hoa quanh năm nhưng tập trung nhiều vào mùa xuân, (tức trổ hoa vào các tháng 2, 3, 4, 5 dương lịch). Muốn chanh ra trái mùa nghịch, phải chăm sóc bón phân để cây trổ hoa tháng 9, 10 dương lịch và cho thu hoạch sau 2 đến 3 tháng.
Từ khi cây nhú đọt non và nụ hoa, bà con cần kiểm tra vườn chanh thường xuyên để kịp thời phát hiện và phun thuốc diệt trừ sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh ăn lá. Định kỳ 15 ngày/lần xịt thuốc Kasuran để ngừa bệnh ghẻ trái và xì mủ. Khi mùa mưa chấm dứt phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất, vì khi cây đang mang trái rất cần nước.
Có thể bạn quan tâm

Cây bạc hà thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, bạc hà chịu bóng râm mát, rất dễ trồng, ít sâu bệnh gây hại, tạo thêm nguồn thu nhập cho kinh tế nông hộ, cứ 20 ngày cây bạc hà cho thu hoạch 1 lần, sản lượng thu hoạch từ 400 - 500 kg, thương lái đến tại vườn mua giá dao động từ 1.500 - 6.000 đồng/kg.

Sáng 17-12, tại xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên), Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng kết hợp cùng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên tổ chức Hội thảo khảo nghiệm giống lúa chịu mặn trên vụ mùa 2014 - 2015. Đông đảo nông dân trên địa bàn xã và một số xã lân cận đến tham dự.

Giá lúa bất ngờ giảm mạnh vào thời điểm giáp vụ sản xuất lúa đã khiến nông dân và các tiểu thương trữ lúa lại từ các vụ trước để chờ giá tăng bị lỗ vốn khi xuất bán lúa vào thời điểm này. Theo nhiều tiểu thương, giá lúa giảm mạnh do thời điểm này hoạt động thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu của nhiều đơn vị, doanh nghiệp không còn được đẩy mạnh như trước.

Đến thăm nông trại nấm linh chi Nhật Minh của anh Nguyễn Trung Kiên, xã Yên Phong (Yên Mô - Ninh Bình), nhiều người không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực của một thanh niên vươn lên làm kinh tế giỏi với mô hình trồng nấm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

“Đảm bảo cây xoài phát triển lâu dài, tui thường sử dụng phân hữu cơ bón gốc, coi như các loại khác cũng cộng hưởng. Cuối mùa mưa, tiến hành phát hoang bụi rậm, dây leo… cho mặt đất luôn giữ độ ẩm. Như vậy, mang lợi ích luôn cả việc phòng, chống cháy rừng mùa khô” – ông Lê Văn Đổng chia sẻ.