Làm Giàu Nhờ Nuôi Con Đặc Sản

Trong những năm qua, trên địa bàn xã An Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đang phát triển mạnh mô hình nuôi ba ba thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nuôi ba ba đang là mô hình giúp cho nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Gia đình ông Ðỗ Xuân Quý ở thôn Bằng Trạch là một trong những gia đình điển hình về làm giàu từ nuôi ba ba.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rót chén trà xanh mời khách ông Quý nhớ lại, trước kia ông cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập chính chủ yếu trông vào hai vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến với mô hình nuôi ba ba, ông từng áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo vẫn luôn đeo bám ông và gia đình.
Với ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thúc giục ông tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất. Như một cơ duyên, năm 2003, ông cùng với một số người dân trong xã lên Nghĩa Lộ (Yên Bái) tìm hiểu về cách nuôi ba ba thương phẩm. Ông nhận thấy đây là loài dễ nuôi, giá thành cao và đầu ra ổn định nên mạnh dạn bàn với gia đình quyết định vay vốn, cải tạo một phần diện tích ao nuôi cá sang nuôi ba ba thương phẩm.
Nhờ tìm hiểu kỹ về đặc tính của ba ba và nắm vững kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi nên ngay từ những lứa đầu tiên đã cho gia đình ông thu lãi cả chục triệu đồng. Từ thành công bước đầu, gia đình ông tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều bể trên cạn để mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Trong chăn nuôi, gia đình ông Quý luôn luôn thực hiện đúng quy trình, từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho ba ba, trong đó chọn giống luôn được ông đặt lên hàng đầu.
Sau hơn 10 năm bén duyên với ba ba, trải qua nhiều khó khăn vất vả, đến nay gia đình ông đã có một cơ ngơi khá khang trang với đầy đủ đồ dùng có giá trị phục vụ cuộc sống. Hiện nay, gia đình ông thường xuyên nuôi khoảng 500 con ba ba các loại, trong đó chủ yếu là ba ba gai, còn lại là ba ba trơn. Thời gian nuôi ba ba thương phẩm từ 30 - 36 tháng, sẽ cho trọng lượng khoảng 4-5 kg/con.
Với giá bán hiện nay từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống và thức ăn cho gia đình ông thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Ở An Bình hiện nay đã có khoảng 80 hộ gia đình tham gia nuôi ba ba với số lượng từ vài chục đến hàng trăm con. Mỗi năm, các hộ chăn nuôi ở An Bình cung cấp hàng nghìn con ba ba thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cũng nhờ vào ba ba mà cuộc sống của nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Quý cho biết: “Ðể ba ba sinh trưởng và phát triển tốt đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Trong đó, ao nuôi cần phải bảo đảm nguồn nước sạch, dễ dàng thay nước và đáy ao rải bùn hoặc đất phù sa dày từ 30 - 40 cm để ba ba có chỗ trú ẩn khi trời lạnh. Khi xây tường bao xung quanh ao hoặc bể nuôi cần chú ý xây sâu xuống đất để tránh ba ba đục khoét bờ.
Ðối với con giống, cần nhất là phải chọn những con khỏe mạnh, không mang mầm bệnh. Thức ăn cho ba ba cần phải chế biến tỷ mỷ, bảo đảm sạch sẽ, không ôi thiu. Thức ăn chủ yếu cho ba ba là các loại cá tạp, nội tạng lợn làm sạch, đối với gà, vịt thải từ các trang trại cũng cần phải làm sạch lông trước khi cho ba ba ăn…
Ðánh giá về mô hình nuôi ba ba thương phẩm tại địa phương, ông Bùi Duy Ðông, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã An Bình là mô hình hay, không những bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn cho hiệu quả kinh tế cao nên đã có nhiều gia đình học hỏi và đầu tư chăn nuôi.
Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, hiện nay một số gia đình đã chuyển sang nghiên cứu cho ba ba sinh sản nhằm cung cấp giống cho các gia đình chăn nuôi trong xã. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với nhiều gia đình vẫn là thiếu vốn, ngoài chi phí về xây dựng bể nuôi, người dân còn phải đầu tư khá nhiều vốn để mua con giống, thức ăn chăn nuôi... UBND xã đề nghị các cấp, các ngành có thêm nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để người nông dân có thể vay vốn đầu tư vào chăn nuôi giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn, lãi suất 0% cho khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Hai năm trở lại đây, ngành mía đường đã hết thời kỳ ngọt ngào khi phải đối diện với việc nguồn cung trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh còn tạm trữ hơn 47.000 tấn lúa thương phẩm, đây là sản lượng lúa tồn đọng từ vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu từ đầu năm 2014. Tuy gần đây giá lúa trên thị trường tăng nhẹ, là thời điểm thích hợp bán ra nhưng gặp phải mưa bão liên miên trong những ngày qua, thương lái đã ép giá, khiến đầu ra hạt lúa thêm khó khăn.

Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, rau diếp cá và xà lách xoong là 2 loại cây trồng chủ lực của xã, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Đầu ra của diếp cá rất ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Diện tích diếp cá của toàn xã khoảng 5 ha.

Anh Hà Văn An, một trong sáu chủ vựa lớn ở chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho hay: Vào thời điểm tháng 9, mỗi ngày anh thu mua từ 1 - 3 tấn măng tươi. Ngoài các vựa thu gom măng ở ấp An Hoà, còn có những chuyến hàng đi thẳng từ Lâm Viên tới Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ ở TP.HCM. Bình quân mỗi chuyến trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng.