Làm Giàu Nhờ Nuôi Chồn Hương

Anh Hồ Duy Trung (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) với ý định ban đầu nuôi chồn hương để làm thú cảnh, nhưng giờ trở nên khá giả nhờ loại động vật hoang dã này.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực chuồng trại nuôi chồn hương (hay còn gọi cầy vòi hương) với diện tích trên 300m2, anh Hồ Duy Trung cho biết, mỗi kiểu chuồng phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn. Những con đang tuổi trưởng thành ở trong chuồng lớn. Chồn đến thời kỳ giao phối hay sinh sản sẽ được tách ra ở chuồng nhỏ để tiện chăm sóc và tránh tình trạng chồn bố ăn thịt chồn con. “Vì muốn chồn hương sống và phát triển tự nhiên như đang ở trong rừng nên hạn chế cho chúng tiếp xúc với con người. Chồn hương là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi, ít bị bệnh, ít tốn công chăm sóc”, anh Trung nói.
Anh Trung kể, cách đây 6 năm trên đường đi làm rẫy về, anh bắt gặp một người dân tộc Hrê mang theo 2 con chồn hương. Chúng còn rất nhỏ, chưa biết ăn. Thấy thích nên anh bỏ tiền mua về chăm sóc, nuôi nấng như thú cưng trong nhà. Sau 2 năm, cặp chồn sinh sản được 4 chồn con. Tình cờ anh biết được chồn hương bán rất nhiều tiền. Vào thời điểm năm 2009, mỗi ký chồn hương có giá 350.000 đồng. Thế là anh Trung nảy ra ý định đầu tư nuôi chồn hương để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2010, anh xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã thông thường, đồng thời vay mượn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại. Từ 6 con chồn giống ban đầu, đến nay anh Trung đã có hơn 200 con chồn hương, trong đó có 36 con nái sinh sản.
Theo anh Trung, mỗi ngày chồn ăn một lần vào buổi tối. Để chồn có sức sinh sản anh Trung cho ăn cháo trắng, chuối trái, lâu lâu cho ăn dặm cá và thịt tươi. Chi phí cho chồn ăn khoảng 2.000 đồng/con/ngày. Sau khoảng 6 tháng, trọng lượng mỗi con đạt từ 3-3,5kg. Giá chồn thịt hiện nay khoảng 1,1 triệu đồng/kg, chồn giống từ 7-25 triệu đồng/cặp. Anh Trung phấn khởi cho hay: “Nuôi chồn lợi nhuận kinh tế cao nên gần đây nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh tìm đến mua chồn giống. Các cặp chồn giống tôi bán ra nếu trong 6 tháng không sinh sản sẽ được đổi cặp mới”.
Ngoài lợi nhuận thu được từ bán chồn hương giống, anh Trung còn đầu tư để thu lợi từ... phân chồn. Nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê tìm đến nhà anh Trung đặt vấn đề cung cấp cho anh trái cà phê, sau đó thu mua với giá cao lượng phân chồn khô sau khi ăn trái cà phê thải ra để chế biến cà phê chồn (loại cà phê được cho là thượng hạng). Giá mỗi ký phân chồn sau khi ăn trái cà phê khoảng 1 triệu đồng. Anh Trung tập cho 6 con chồn ăn trái cà phê. Một con chồn hương thải ra khoảng 0,5 kg phân khô/đêm.
Nhận thấy giá trị của chồn hương được nâng cao và theo tính toán nếu cho 40 con chồn hương ăn cà phê thì mỗi năm thu ít nhất cũng được hơn 2 tạ phân chồn, lợi nhuận đem lại rất lớn. Ngoài ra, khi chồn ăn cà phê thì không cho ăn các loại thức ăn khác, như vậy sẽ giảm được chi phí thức ăn. Để không lệ thuộc các doanh nghiệp cung cấp cà phê, anh Trung đã tự trồng 400 gốc cà phê để lấy trái cho chồn ăn. Anh Trung hồ hởi khoe: “Sang năm 2014 là tôi có thể cho chồn ăn hạt cà phê do mình trồng, giá trị kinh tế thu được từ phân chồn khi đó sẽ rất cao”.
Nuôi chồn hương là một mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ cuối năm 2012 đến nay, anh Trung đã xuất bán chồn hương con và giống với tổng nguồn thu trên 500 triệu đồng. Hy vọng mô hình nuôi chồn hương sẽ được nhân rộng, giúp cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, 9 tháng đầu năm, Việt Nam XK khoảng 40.000 tấn mật ong với giá trị đạt trên 100 triệu USD. Dự kiến cả năm, sản lượng XK sẽ chạm mức 45.000 tấn. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chật vật để “lọt” được vào các thị trường “khó tính” thì mật ong đi tiên phong, là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam “thoải mái” XK vào Mỹ và EU.

Nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/ NĐ-CP mở rộng ưu đãi cho các lĩnh vực nông nghiệp. Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020.

Dịp này, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã chọn 10 thí sinh có thành tích cao để lập đội tuyển dự hội thi tay nghề thợ giỏi khai thác mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 12.

Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng(Đồng Văn) là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Sở NN&PTNT; với chức năng, nhiệm vụ được giao mà theo như lời đồng chí Giám đốc Trung tâm Giang Lộc Thăng khẳng định: “Trong những năm qua, Trung tâm đã luôn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm những giống cây, con mới, có năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào sự nghiệp xóa, đói giảm nghèo của tỉnh...”.

Xác định phát triển chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy chăn nuôi gia súc trên địa bàn phát triển, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT).