Làm Giàu Nhờ Liên Kết

Một trong những khó khăn lớn hiện nay của sản xuất nông nghiệp và cũng là khó khăn của nông dân là tiêu thụ nông sản. Do không có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định và bền vững, người nông dân hiện đang rất bị thua thiệt bởi tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” triền miên.
Để tháo gỡ khó khăn này cho bản thân cũng như bà con nông dân trong cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Đoàn - một nông dân chuyên canh rau thương phẩm theo hướng công nghệ cao ở thôn Hải Dương, xã Lạc Lâm (Đơn Dương - Lâm Đồng) - từ năm 1988 tới nay đã từng bước thực hiện liên kết với các hộ nông dân để sản xuất, thu mua và cung ứng mặt hàng rau sạch cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu nông sản trong và ngoài huyện Đơn Dương.
Theo Hội Nông dân huyện Đơn Dương cho biết, xuất thân từ một gia đình nhiều năm làm nghề nông, ông Nguyễn Hữu Đoàn đã là một trong những hộ nông dân đầu tiên ở xứ đạo Lạc Lâm mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chú trọng tới hiệu quả kinh tế từ trước năm 1998.
Để chuyển từ trồng cây lương thực và cây màu sang sản xuất rau thương phẩm, ông đã không quản ngại khó khăn tới những vùng chuyên canh rau - hoa năng suất - chất lượng cao để học hỏi kinh nghiệm sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những bài học mà ông đúc rút được từ những ngày “tầm sư học đạo” là để tiêu thụ được sản phẩm, người nông dân cần phải đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng và sản lượng nông sản của người tiêu thụ bằng chữ tín và bằng các mối liên kết cùng có lợi trong sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, ngay từ đầu, ông Đoàn đã cùng gia đình chắt chiu từng đồng vốn thành lập Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nông sản Hữu Đoàn để có tính pháp lý trong mọi giao dịch kinh tế với các đối tác.
Một trong những mối liên kết mà cơ sở này đã thực hiện thành công là đã liên kết chặt chẽ với Tổ hợp tác Sản xuất nông nghiệp Đông Hưng và một số hộ sản xuất rau chất lượng cao trong vùng mở rộng thêm diện tích sản xuất cũng như ngành hàng và mặt hàng rau sạch… để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu rau như Công ty Asuzac Foods TP Hồ Chí Minh, Công ty Đà Lạt Asuzac Foods, Công ty Nature Foods và Công ty Hoàng Long Gia…
Có thị trường ổn định và lâu dài, bình quân mỗi năm Cơ sở SX-KD nông sản Hữu Đoàn đã tiêu thụ cho nông dân và cung ứng cho các đanh nghiệp trên từ 40-50 tấn rau thương phẩm các loại như hành tây, pó xôi, bắp sú…
Ngoài việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Nguyễn Hữu Đoàn còn tổ chức sản xuất cây rau giống các loại để cung ứng cho bà con trồng rau trong vùng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực canh tác.
Với mô hình liên kết này, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Hữu Đoàn đã có doanh thu 3,5 tỷ đồng trên diện tích 2 ha đất nông nghiệp, sau khi trừ chi phí đầu tư còn cho lãi ròng khoảng 0,8 tỷ đồng, bình quân thu nhập của gia đình đạt trên 160 triệu đồng/người/năm; riêng năm 2013 vừa qua ông đã có doanh thu 4,5 tỷ đồng và trở thành 1 trong 52 hộ nông dân SX-KD giỏi tiêu biểu của toàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2013.
Không tự mãn với những thành công đã đạt được, hiện nay ông Nguyễn Hữu Đoàn cũng như Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh nông sản Hữu Đoàn vẫn đang tuân thủ đúng phương châm “Sản xuất phải bảo đảm chất lượng, tạo được thương hiệu và mở rộng thị trường gắn với bảo vệ môi trường”.
Kinh nghiệm mà ông đã đúc kết được trong việc mở rộng sản xuất - tiêu thụ nông sản sạch là “Luôn giữ chữ tín trong sản xuất - kinh doanh để tạo lập mối quan hệ lâu dài với các đối tác. Cần biết liên kết để cùng phát triển”…
Có thể bạn quan tâm

Gần mười ngày nay, cá dìa con xuất hiện nhiều tại vùng dừa ngập mặn xã Cẩm Thanh, TP. Hội An (Quảng Nam). Người dân làng chài Cẩm Thanh cho biết, mỗi ngày họ có thể bắt khoảng một kg cá dìa con (tương đương 1.000 con).

Phong trào nuôi trăn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển rầm rộ từ năm 1980, nhưng đến năm 1990 thì giá trăn trở nên bấp bênh do xuất khẩu không được thuận buồm xuôi gió, khiến cho nhiều hộ nuôi lao đao, thua lỗ, thậm chí có người còn mang trăn con vào rừng thả bỏ.

Vài năm gần đây, cây quế Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã lấy lại được thế đứng và trở thành một trong 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Đây là tín hiệu vui để cây quế Trà Bồng phát triển, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy là nỗi lo thiếu nguyên liệu.

Năm 2012, tình hình tiêu thụ dừa trái và các sản phẩm từ dừa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, giá dừa trái trên thị trường thế giới không ngừng rớt giá, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, đã kéo theo giá dừa trong nước giảm đáng kể.

Không những đầu tàu trong làm ăn, phát triển kinh tế, ông Xeo Phò Nang còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở xã, bản. Ông Xeo Phò Nang đã trở thành người "tiên phong" của bản Quyết Thắng.