Lãi Nửa Tỷ Đồng/năm Từ Rau - Lúa - Cá

Đó là mô hình kinh tế của lão nông Nguyễn Văn Cân (thôn Thanh Lê, xã Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị).
Với đức tính cần cù từ nhỏ, cộng với vốn kiến thức nông nghiệp trung cấp, ông Cân nhanh chóng trở thành nông dân canh tác lúa năng suất cao nhất xã, trung bình 3,2 – 3,7 tạ/sào Trung Bộ (500m2)/vụ (mỗi năm 2 vụ). Sau nhiều năm làm ruộng, nhận thấy chỉ trồng lúa không sẽ rất phí diện tích đất, nên ông kết hợp mô hình cá – lúa.
Không chỉ nuôi cá trên đồng ruộng, ông còn đào thêm hồ nuôi cá giống phục vụ nhu cầu nuôi cá cho bà con. Mảnh vườn rộng chừng 5 sào, ông Cân trồng các loại rau như xà lách, cải, ngò, mướp đắng, bầu bí… để hằng ngày cung cấp cho các chợ ở huyện Triệu Phong. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 4 con lợn cái, 18 con lợn thịt và 4 con bò để tăng thu nhập.
Mỗi năm, vườn rau màu của ông cho thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Trên diện tích 3ha mô hình cá – lúa, ông Cân thu lãi 300 triệu đồng từ lúa và 150 triệu đồng từ bán cá. Hồ cá giống không chỉ tự cung tự cấp nguồn giống cho việc nuôi trồng của gia đình mà còn mang về nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng/năm từ cá giống bán cho bà con địa phương. Ông nói, nhờ làm ruộng mà ông trở thành người đầu tiên trong xã mua được xe máy, xây nhà bê tông cốt thép.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cân còn thường xuyên giúp đỡ bà con láng giềng về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để cùng làm giàu. Anh Nguyễn Văn Kiếm-người cùng thôn được ông Cân giúp đỡ, cảm kích nói: “Ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, may nhờ có bác Cân cho mượn tiền, hướng dẫn đào ao thả cá, mua bò về nuôi nên bây giờ mới thoát nghèo”.
Còn ông Đoàn Hữu Năng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trung thì khen ngợi: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cân còn là một chi hội trưởng Hội ND năng nổ, nhiệt huyết trong công việc và luôn sát cánh, giúp đỡ bà con cùng làm giàu trên quê hương”.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=89348
Có thể bạn quan tâm

Trước đây cả gia đình anh Trần Văn Thắng ở khu trang trại Đầm Cói, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thời tiết thuận lợi được mùa thì cũng chỉ đủ ăn. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời không biết đến khi nào mới thoát nghèo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi 112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.

Hiện, chất lượng gạo của Việt Nam kém là do cách làm ăn chụp giật của các thương lái, trộn lẫn các loại gạo cao cấp thấp cấp với nhau. Điệp khúc được mùa mất giá , nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp diễn do các bộ, ban ngành đang bỏ mặc nông dân.

Ông Sí Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Năng suất dưa chuột trung bình đạt 280 tạ/ha. Vụ dưa chuột năm nay, kế hoạch huyện giao là 36ha, nhân dân trồng được 43,7 ha, đạt 121,4% kế hoạch.

Nuôi tôm ở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp sản phẩm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Diện tích nuôi tôm tại huyện Cần Giờ đạt 6.203ha, Nhà Bè 255ha và huyện Bình Chánh 60ha.