Lãi lớn nhờ nuôi tôm kiểu mới

Trước nguy cơ tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh thường xuyên do môi trường nước ô nhiễm, anh Phan Thanh Thánh (sinh năm 1984) ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã chọn cách xây dựng bể lọc nước sạch để cung cấp cho hồ nuôi tôm trên cát của mình.
Anh Thánh bắt đầu biết nuôi tôm từ lúc mới 15 tuổi khi theo phụ việc cho cha mẹ. Học hết cấp 3, anh nghỉ ở nhà làm kinh tế. Năm 1999, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thu lợi nhuận cao, anh Thánh quyết định đầu tư để thoát nghèo. Khởi điểm, anh vay 45 triệu đồng đầu tư một hồ tôm với diện tích 3.000m2. Vốn có sẵn kinh nghiệm, học hỏi thêm thông tin ở báo, đài, sau 3 tháng thả nuôi, trừ hết chi phí, vụ đầu tiên anh Thánh lãi 70 triệu đồng. Năm đó, anh nuôi 3 vụ.
Bước sang năm thứ 2, anh đầu tư thêm một hồ có diện tích 2.800m2 với mức chi phí 80 triệu đồng và tiếp tục thắng lớn với thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng bước sang các năm kế tiếp, nguồn nước bắt đầu ô nhiễm, tôm bị dịch đốm trắng. Năm 2006, anh Thánh gần như mất trắng và phải dừng nuôi trong nửa năm. Bắt đầu gượng dậy được vài vụ, thì đến năm 2011, tôm lại bị tiếp một đợt dịch lớn, anh thua lỗ thêm hơn 200 triệu đồng.
“Năm 2011, người dân ở đây ồ ạt san lấp mặt bằng làm hồ nuôi. Lúc đó, tôi cũng làm thêm 3 hồ với diện tích trên 10.000m2 và một hồ ươm giống khoảng 600m2. Đúng thời điểm này, nguồn nước bị ô nhiễm, tôm bị dịch bệnh, năm đó gia đình tôi nuôi một vụ mà không thu hồi được vốn. Xác định nguyên nhân tôm bị dịch, tôi tạm nghỉ một thời gian để xử lý các hồ và học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi tôm trên cát", anh Thánh nói và nghiệm ra được yếu tố quyết định thành công của nuôi tôm thẻ chân trắng là nguồn nước phải sạch. Từ đây, anh quyết định nuôi tôm theo kiểu mới.
Năm 2012, anh Thánh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ để mua con giống mới thả nuôi và làm thêm hai hồ tôm với diện tích 3.000m2, nâng tổng số lên 7 hồ và một hồ ươm giống, với tổng diện tích gần 20.000m2. Lần này, anh tiến hành xây dựng một bể lọc nước với dung tích 12m3 gồm một lớp san hô, một lớp than hoạt tính, một lớp cát sạch có tác dụng lọc nước, kim loại nặng và khí độc. Nguồn nước sạch được lọc bơm vào ao nuôi giúp con tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh, sản lượng cải thiện rõ rệt, từ 7 đến 8 tấn một hecta mỗi vụ trước đây tăng lên thành 10 tấn.
Anh Thánh cho hay, năm 2014 tổng doanh thu từ nuôi tôm là 7 tỷ đồng, lợi nhuận thu được bình quân hàng năm hơn 800 triệu. Ngoài ra, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công cùng 10 lao động theo thời vụ, trung bình làm 15 ngày mỗi tháng.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm, theo anh Thánh, nuôi tôm thẻ chân trắng muốn thành công phải dựa vào yếu tố nguồn nước và con giống. Theo đó, nguồn nước phải sạch, con giống tốt của các công ty uy tín cần được chăm sóc kỹ trong tháng đầu tiên, bởi đây là thời điểm tôm thay môi trường sống nên dễ bị dịch bệnh. Dù có bể lọc nước sạch, nhưng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm tối đa, anh Thánh áp dụng cách nuôi tôm luân phiên, 2 vụ tôm chính xen kẽ vụ tôm phụ, trung bình 2 năm nuôi 5 vụ. Anh Thánh chia sẻ, ở vụ nuôi chính, anh thả 100 con trên một m2, vụ tôm phụ thả khoảng 50 con mỗi m2.
Năm 2015, anh Thánh là một trong hai thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng Lương Định Của.
Có thể bạn quan tâm

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để đáp ứng quy định nêu trên, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) yêu cầu cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhằm cập nhật các quy định của nước sở tại và tuân thủ đúng khi xuất khẩu các lô hàng cá nuôi vào thị trường này.

Thanh long ruột đỏ là loại cây được trồng phổ biến trên vùng đất gò. Đối với xứ biển, đây là cây trồng được xếp vào diện “lạ”. Dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Trung (ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) đã đem giống cây “lạ” này về trồng trên vùng đất cát và đã gặt… “mùa vàng”.

Dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long xảy ra từ nhiều năm nay, đã gây thiệt hại nặng cho người trồng thanh long mà chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đây là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và đã phối hợp tổ chức các Hội nghị triển khai, chỉ đạo nhiều biện pháp để xử lý dịch bệnh đốm nâu, giúp nông dân an tâm trong sản xuất.

Mọi ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất nhỏ, tàu cá cũ đủ điều kiện đều được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra quy hoạch và định hướng các ngành nghề khai thác, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn, quyết định.