Lãi kép từ trồng ngô ủ ướp

Toàn xã hiện có hơn 300 ha đất ruộng, phân bố ở các thung lũng bằng phẳng, giao thông thuận tiện nhưng chỉ trồng được một vụ lúa và bỏ không từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau, do không có nước cấy lúa vụ chiêm xuân và thời tiết mùa đông khá khắc nghiệt. Những năm gần đây, do nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu và các gia đình chăn nuôi bò sữa khá lớn đã tạo cơ hội cho bà con có thêm thu nhập từ trồng ngô ngoài phương pháp truyền thống. Trồng ngô làm thức ăn ủ ướp giúp rút ngắn thời gian thu hoạch từ trên 6 tháng xuống còn 5 tháng. Khi cây ngô đến giai đoạn trổ bắp, ra hạt là có thể chặt bán cả cây, sau đó được máy nghiền nát và chở về các hầm chứa ủ làm thức ăn dự trữ cho bò sữa vào mùa đông khi khan hiếm cỏ.
Ông Tặng Văn Son, bản Phiêng Đón chia sẻ: Gia đình tôi có 5.000m2 đất ruộng, trước đây, thu hoạch lúa xong là bỏ không hoặc chăn thả gia súc. Từ năm 2013, gia đình tôi bắt đầu trồng ngô để bán ngô cây cho các gia đình có nhu cầu mua làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa. Cứ sau vụ lúa mùa thì cày ải rồi trồng ngô từ tháng 1 đến đầu tháng 6 khi ngô ra bắp đều là có thể chặt bán. Sau vụ ngô thì vừa kịp bước vào vụ cấy lúa mùa. Năm nay, gia đình tôi thu được hơn 10 triệu đồng từ việc bán ngô cây, không chỉ đủ mua phân bón, lúa giống mà còn dư để chi tiêu trong gia đình.
Không chỉ gia đình ông Son, các gia đình khác ở bản Co Phay, Phiêng Đón, Nà Pháy, Nà... cũng trồng ngô trên ruộng một vụ để bán ngô cây. Hầu hết diện tích ruộng nước đều ở gần nhà nên bà con có thể tranh thủ mọi lúc để trồng và chăm sóc ngô sau những lúc gieo trồng trên nương. Bên cạnh đó, trồng ngô ủ ướp không tốn nhiều thời gian chăm sóc, do ngô được trồng để lấy thân nên có mật độ trồng dày hơn gấp 2, 3 lần so với ngô trồng lấy bắp, hạn chế cỏ dại. Ông Đặng Văn Su, Trưởng bản Co Phay cho biết thêm: Cả bản có 15ha ruộng thì có đến hơn 80% số hộ trong bản trồng ngô vào vụ đông xuân để bán ngô cây. Bà con thường trồng đồng loạt cùng một thời điểm để thu hoạch cùng một lúc, tiện lợi cho cả người thu mua. Các hộ chủ yếu sử dụng hình thức bán khoán cả cánh đồng ngô cho các xe tải đến thu mua nên tiết kiệm được công lao động và chi phí thu hoạch. Trung bình, cứ 1.000 m2 đất ruộng trồng được 2 - 3kg ngô giống, thu được khoảng 4 - 5 tấn ngô cây. Với giá bán 800 - 1.000 đồng/kg ngô cây, mỗi gia đình cũng có thêm khoản thu nhập 5 - 15 triệu đồng/vụ tùy diện tích ruộng.
Như vậy, cùng một diện tích đất, nếu như trước đây chỉ trồng một vụ lúa thì nay bà con xã Tân Lập có thêm một khoản khu nhập từ trồng ngô cây bán làm thức ăn ủ ướp. Khoản thu này đã giúp bà con giải quyết được những khó khăn trước mắt, vừa không phải mua chịu phân bón, giống lúa, thuê máy bừa ruộng, vừa đáp ứng phần nào chi tiêu sinh hoạt cho gia đình trong thời điểm giáp hạt. Hiện nay, bà con xã Tân Lập không chỉ tận dụng đất ruộng một vụ để trồng ngô ủ ướp mà còn sử dụng cách làm này đối với những diện tích đất nương khác có địa hình tương đối bằng phẳng. Do thời gian cho thu hoạch rút ngắn nên bà con trồng thành 2 vụ ngô ủ ướp thay cho việc chỉ trồng được một vụ ngô để thu bắp, lãi một vụ ngô ủ ướp lại cao gấp đôi vụ ngô trồng lấy bắp, đầu ra ổn định nên bà con rất phấn khởi. Tận dụng tốt mọi cơ hội để tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất là cách làm sáng tạo, đã và đang giúp bà con xã Tân Lập có cuộc sống ngày càng ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Cá chép là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ… nên được nuôi khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua theo dõi nuôi cá chép trên địa bàn tỉnh, người nuôi chủ yếu thả tận dụng, cơ cấu mật độ thả thấp, chỉ chiếm khoảng 10 - 20% so với tổng đàn cá thả, dẫn đến sản lượng thu hoạch cá chép không cao, lợi nhuận của người nuôi còn thấp. Chưa có nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cá chép để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex đã chia sẻ riêng với NNVN về các kinh nghiệm tái cấu trúc ngành hàng và DN nông sản XK trong năm 2015...

Hiện nay, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, đây chính là cơ hội tốt để ngành cao su VN tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, thay vì chỉ tập trung SX và XK mủ cao su thô như lâu nay.

Tết Ất Mùi năm nay nhà nông Trần Thanh Liêm, ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 500 cặp dưa hấu hình vuông, thỏi vàng có chữ “Tài - Lộc” nổi trên vỏ, giá từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/cặp. Dự kiến trong dịp tết ông thu gần một tỷ đồng. Đồng thời, năm nay ông sẽ tung ra khoảng 20 cặp dưa hấu hình trái tim rất lạ mắt với giá 8 triệu đồng/cặp.

Thay vào các vườn trồng mai trước đây là các vườn trồng tắc, cây ăn trái trong chậu. Đang tỉa lại cành và vô chậu 1.000 cây tắc, anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết: “Vài năm trước đây, cứ đến hẹn là gia đình tôi sản xuất trên 1.000 chậu mai vàng để cung ứng cho thị trường dịp tết. Tuy nhiên, năm nay số lượng giảm đi một nửa để chuyển sang đầu tư cây tắc”.