Lại chuyện cây giống kém chất lượng

Cây giống chết hàng loạt
Thấy thị trường và nhu cầu sử dụng trái bơ ngày càng tăng, khoảng tháng 6-2014, ông Phạm Phú Hoan (thôn 16, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) dự định trồng khoảng 600 gốc bơ xen trong 10 ha cà phê của gia đình. Tìm hiểu qua sách báo và học hỏi, tham quan mô hình trồng bơ của người dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, ông quyết định chọn đầu tư trồng giống bơ Booth-loại bơ sáp cho trái to, ruột vàng, thịt bơ béo, ưu việt hơn hẳn các giống bơ khác cả về chất lượng, năng suất.
Để tránh mua phải giống trôi nổi, kém chất lượng, theo lời người quen tư vấn, ông Hoan sang tận Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông-Lâm nghiệp Ea Kmat (gọi tắt là Công ty Ea Kmat), có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak để lựa chọn và mua giống. “Tôi mua 600 cây bơ Booth ghép, giá mỗi cây 40 ngàn đồng. Tính cả chi phí vận chuyển, riêng tiền giống cây mua về tới nhà đã mất hơn 26 triệu đồng. Mặc dù đã chuẩn bị đất, bón lót kỹ càng bằng phân chuồng, phân vi sinh và xử lý vôi bột, 600 gốc bơ đều bị chết hàng loạt sau khi trồng chừng 20 ngày”-ông Hoan kể lại
Theo lời ông Hoan mô tả thì sau khi trồng khoảng nửa tháng, trên mắt ghép cây bơ xuất hiện nhiều đốm đen. Các vết này loang rộng dần và chết nguyên mắt ghép. Khi mắt ghép chuyển qua màu đen thì có nhiều loại sinh vật lạ xuất hiện, bu bám nơi vị trí mắt ghép bị chết. “Khi mua, cán bộ kỹ thuật khẳng định, các cây ghép đều phát triển ổn định, chất lượng tốt và hoàn toàn có thể đem ra trồng. Vậy mà chẳng hiểu sao, khi tôi đem trồng lại bị chết hàng loạt, chỉ còn sống chừng 50 cây. Số cây còn sống phát triển rất kém, chỉ cao độ 30-40 cm so với mặt đất”-ông Hoan nói.
Chung cảnh như hộ ông Hoan, hộ anh Đỗ Duy Lương (thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cũng mua tại Công ty Ea Kmat khoảng 40 cây bơ Booth ghép để trồng vào đầu mùa mưa năm ngoái. Tuy nhiên, hiện chỉ còn không đầy chục cây bơ còn sống. “Cùng chung một chế độ chăm sóc nhưng mấy gốc bơ do tôi tự ghép đã lên cao chừng 1 mét, phân nhánh ổn định; trong khi mấy gốc bơ mua từ Công ty Ea Kmat về trồng chỉ sống yếu ớt, chưa cây nào đủ sức phân nhánh”-anh Lương nói.
Theo lời ông Hoan và anh Lương, còn có nhiều hộ khác ở xã Dun cũng mua giống bơ từ Công ty Ea Kmat về trồng và bị chết với những biểu hiện tương tự.
Nguyên nhân do giống chất lượng thấp?
Ông Hoan hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Bờ Ngoong và từng là hộ sản xuất giỏi nhiều năm liền. Với kinh nghiệm làm nông nghiệp cộng thêm sự ham học hỏi cũng như cẩn trọng trong quá trình sản xuất, khả năng mắc lỗi trong quá trình trồng là rất khó.
Anh Lương cho rằng, cũng có thể vì lý do nào đó nên đợt bơ giống đó do Công ty Ea Kmat sản xuất và cung ứng có vấn đề. Công ty Ea Kmat lâu nay làm ăn khá uy tín, là nơi nông dân các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương lân cận đặt niềm tin. Không hiểu sao lứa bơ Booth do chúng tôi mua về lại bị chết hàng loạt.
Với số bơ còn sống sót, theo quan sát của phóng viên, hầu hết đều rất yếu ớt, chỉ lưa thưa vài chiếc lá, chưa có cây nào đủ sức để phân nhánh như các cây bơ ghép khác dù đã gần một năm tuổi. Tuy nhiên, các hộ lỡ mua và trồng phải bơ ghép kém chất lượng này cũng không phản hồi hay khiếu nại gì đến đơn vị cung ứng giống về hiện tượng trên. Ông Hoan cho biết: “Tôi mất khoảng trên dưới 50 triệu đồng tiền vốn đổ vào 600 gốc bơ Booth kém chất lượng. Dự kiến mùa mưa này tôi sẽ chuyển qua loại cây trồng khác để thay thế chứ không dám trồng bơ nữa”.
Còn với anh Lương, sau khi mua trúng đợt bơ kém chất lượng, anh có hỏi thêm nhiều người và được chia sẻ rằng, nếu mua cây bơ ghép sẵn về trồng sẽ dễ bị chết. Tuy nhiên, nếu tự ươm cây và qua Công ty Ea Kmat mua mắt ghép về tự ghép thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn. “Tôi đã ươm vài chục cây, tới mùa mưa này sẽ tự ghép để trồng vì tôi nhận thấy, bơ ngày càng được ưa chuộng và sẽ có giá trị kinh tế cao”-anh Lương nói.
…Mùa khô sắp kết thúc, Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang chuẩn bị bước vào mùa trồng mới. Trường hợp rủi ro bởi mua phải giống cây kém chất lượng như hộ ông Hoan, anh Lương không phải chưa từng xảy ra. Câu chuyện một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này khi lĩnh vực quản lý chất lượng các loại giống cây trồng còn nhiều lỏng lẻo như hiện nay. Không ai hết, chính người nông dân là đối tượng “lãnh đủ” nếu chẳng may gặp phải giống “rởm”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12/2, giá atisô tại chợ Đà Lạt loại hoa tươi chỉ còn 30.000 đồng/kg; trong khi, cách nay hơn nửa năm, giá này là 300.000 đồng; có lúc, giá này tăng lên đến 350.000 đồng (khoảng tháng 8/2014) - tăng gấp 7 lần so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, trong gần nửa năm gần đây, giá atisô Đà Lạt giảm dần khiến nhiều nhà vườn lo ngại tình trạng chặt bỏ vườn atisô có khả năng tái diễn như cách nay hơn hai năm.

Trang trại chuối Laba Đà Lạt Điền Công Tâm là ý tưởng và tâm huyết chung của ba ông Điền, Công, Tâm - cũng là những người bạn thân thiết của nhau. Đây là trang trại chuyên canh chuối khép kín từ khâu sản xuất cây giống, đến trồng chuối thương phẩm, bắt đầu từ năm 2013, trên diện tích 50ha tại thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.

Điều mọi người đều dễ nhận thấy là việc xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thanh long còn lúng túng, diện tích cây thanh long tăng quá nhanh một cách tự phát do lợi nhuận cao. Theo kế hoạch mấy năm trước đây, diện tích cây thanh long đến năm 2015 là 15 nghìn ha, nhưng đến nay con số đã xấp xỉ 30 nghìn ha.

Tuy nhiên bà con luôn lo lắng về bệnh dịch vì năm nào cũng xảy ra dịch bệnh viêm ruột, trùng quả dưa, đốm đỏ... làm cá chết hàng loạt. Trong khi đó, bà con chủ yếu nuôi cá theo kinh nghiệm, chưa có phương pháp phòng trừ, việc chữa trị còn lúng túng, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi...

Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được hàng chục triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia trên dưới 1 triệu đồng. Riêng tàu cá QNg – 98214 TS của ngư dân Nguyễn Mai thu được hơn 3 tấn. Anh thu được khoản lãi gần 20 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia 1 – 1,5 triệu đồng.