Kỹ Thuật Nuôi Bò Lai F1BBB

Nuôi bò thịt là việc làm quen thuộc của dân ta từ lâu đời. Giống bò phổ biến là con bò vàng. Do tầm vóc nhỏ nên bà con đặt cho nó cái tên là “bò cóc”.
Bò cóc có nhiều ưu điểm như: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chịu đựng được điều kiện kham khổ ở nhiều nơi, chống chịu với bệnh tật tốt và mắn đẻ. Tuy nhiên, nó có tầm vóc quá nhỏ bé, khối lượng ít và thành thục tính dục chậm (2,5-3 tuổi mới phối giống được lứa đầu) năng suất sữa và thịt đều thấp. Khối lượng bình quân chỉ đạt 160-200kg/con. Tỷ lệ thịt xẻ của chúng thấp, chỉ đạt độ 40-42%...
Vì vậy, chúng ta có chủ trương cải tạo đàn bò (kể cả bò thịt và bò sữa). Riêng với bò thịt, ta đã có chương trình “zebu hóa” để tạo ra đàn bò lai giữa bò cóc với các giống bò khác như: Sindhi, Brahman, Saliwal... Đặc biệt, con bò lai sind được bà con rất hâm mộ. Tầm vóc của nó lớn hơn bò vàng, khối lượng sơ sinh từ 17-19kg, khối lượng trưởng thành ở con đực từ 400-450kg và con cái từ 250-350kg.
Ta có thể cho nó phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi. Khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 15 tháng. Nó chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống bệnh tật cao và thích nghi được với điều kiện nóng ẩm ở ta. Tuy nhiên, các chuyên gia về giống gia súc của Hà Nội vẫn chưa thỏa mãn. Họ hướng con bò lai tới một đối tượng khác, đó là giống bò BBB.
Gọi là bò BBB vì tên tiếng Anh của nó là Blanc Bleu Belge. Đây là giống bò siêu thịt của Vương quốc Bỉ. Nó có 3 màu chính là trắng, trắng loang xanh và trắng loang đen. Có nơi còn gọi nó là bò trắng xanh Bỉ. Nó có cơ thể đồ sộ, các thớ thịt lúc nào cũng cuồn cuộn. Khi trưởng thành, bò đực có khối lượng tới 1.250kg và bò cái cũng đạt tới 750kg. Con sơ sinh cũng đã có trọng lượng là 45kg.
Trong năm đầu, mỗi ngày nó tăng trọng tới 1,3kg. Được 1 năm tuổi, nó đã nặng tới 450kg. Tỷ lệ thịt xẻ của chúng cũng rất cao, đạt tới 66%. Rõ ràng, đây là giống bò thịt tuyệt vời. Bò BBB rất hiền, ăn uống dễ dàng. Chỉ có điều, bò BBB khó đẻ. Ở Bỉ, 95% số ca đẻ của nó phải sử dụng đến phẫu thuật.
Các chuyên gia ở Công ty Giống gia súc Hà Nội đã lai con BBB với con cái là bò Sind hoặc lai sind. Ta không thể lai chúng với con bò cóc được vì bò cóc bé quá, đẻ sao nổi! Người ta chọn con mẹ là con lai Sind đã đẻ từ lứa thứ 2 tới lứa thứ 5. Nó phải có khối lượng ít nhất từ 280kg trở lên. Ta lấy tinh của bò BBB để phối cho nó. Kết quả rất mỹ mãn: Con sơ sinh đạt từ 27-35kg.
Tuy khối lượng lớn nhưng bò lại đẻ rất dễ. Thậm chí có con còn đẻ sinh đôi. Trong 3 tháng đầu, tốc độ tăng trọng đạt 700g/ngày. Từ tháng thứ 3 cho tới tháng 12, nó tăng trọng 840g/ngày. Nuôi nó chỉ 1,5 năm là đã có thể đạt tới 460kg/con.
Bê lai F1BBB thuần tính, dễ chăm sóc, đạt trọng lượng cao khi nuôi vỗ béo. Thịt của nó thơm, ngon và luôn có giá cao.
Công ty Giống gia súc Hà Nội đã nhân cho thành phố tới trên 3.000 con. Họ sẵn sàng giúp cho bà con các nơi nhân nhanh giống bò lai F1BBB. Hãy gọi ngay cho họ để được hỗ trợ (điện thoại: 0437.630.895).
Có thể bạn quan tâm

Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.

Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn và trải đều ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thẩm định của các ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số vùng nuôi chưa đảm bảo về môi trường. Theo qui hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ có vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 2.400 ha. Hiện nay toàn tỉnh có 1.400 ha nằm trong vùng nuôi cá tra, ngoài ra còn có đến 225 ha nuôi ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho việc quản lý. Tình trạng trên xảy ra chủ yếu tại 03 huyện Tân Hồng, Tam Nông và Thanh Bình.