Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỹ Sư Mai Quốc Thái Thành Công Lớn Với Hoa Lan Ngoại

Kỹ Sư Mai Quốc Thái Thành Công Lớn Với Hoa Lan Ngoại
Ngày đăng: 28/08/2014

Giữa trưa hè bên cạnh hồ Dầu Tiếng (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), 4 ha hoa lan denro của kỹ sư sinh học Mai Quốc Thái đua nhau khoe sắc.

Có thể nói, ở Việt Nam, kỹ sư Thái được xem là người tiên phong trong việc trồng lan denro, một loại lan được xem là khó tính và khó trồng nhất ở Việt Nam hiện nay, với diện tích lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khó người thành dễ ta

Kỹ sư Mai Quốc Thái, từng có kinh nghiệm 12 năm giảng dạy tại khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm (từ năm 1977-1988).

Sau khi rời giảng đường ông bắt tay vào làm kinh tế. Từ số vốn kha khá ban đầu, ông đã chọn Bình Dương để quyết tâm làm giàu từ đất và cây trồng. Nơi ông đến là xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng). Tại đây, ông đã phát triển được vườn cao su lên đến 38 ha. Sau đó, ông đầu tư thêm 52 ha cao su nữa ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.

Dù có trong tay 90 ha cao su, lợi nhuận ròng tiền tỷ mỗi năm nhưng ông Thái vẫn không dừng bước. Là một kỹ sư sinh học ông luôn nghĩ rằng cần phải tạo sự khác biệt bằng nhiều loại cây trồng khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cả cây cao su.

Chính vì thế, ông mày mò nghiên cứu trồng vài ha xoài, bưởi. Dự án trồng xoài sau đó thất bại, thua lỗ nặng nhưng ông vẫn không nản chí.

Đến năm 2009, khi vợ ông - vốn là đội trưởng đội hoa viên của Thảo cầm viên ở TP.HCM nghỉ hưu và hai cô con gái đều tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm, ông quyết định đưa cả gia đình đi Thái Lan… học trồng lan. Về Việt Nam, cả nhà ông tiếp tục đến các vườn lan lớn ở Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… học tập kinh nghiệm trồng lan.

Những chuyến đi thật bổ ích vì ông có cơ sở và niềm tin để quyết tâm trồng lan denro, một loại lan được xem là khó tính và khó trồng nhất ở Việt Nam hiện nay. Cây lan denro tuy cho bông đẹp, được thị trường đón nhận và phù hợp với thời tiết, khí hậu nắng nóng, hanh khô ở Bình Dương nhưng lại rất khó chăm sóc.

Tuy nhiên, ông Thái lại có quan điểm riêng: “Cái gì khó người mới dễ cho ta. Vì lan denro khó trồng đối với người khác nên tôi càng phải làm cho thành công. Sản phẩm làm ra sẽ không vấp phải sự cạnh tranh và khi đó sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi chọn trồng denro thay vì loại dễ trồng, dễ chăm sóc”.

Ông Thái nhẩm tính, một cây giống lan denro nhập từ Thái Lan về Việt Nam có giá 8.000 đồng, tiền chậu tốn thêm 2.000 đồng nữa. Trong khi đó, giá ra thị trường của một chậu lan trưởng thành là 30.000 đồng.

Với diện tích tăng dần, số lượng chậu lan denro tăng vọt từ năm 2009 đến nay, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng và tiền lương nhân công, ông còn thu lãi khoảng 10 tỷ đồng. Tính ra mỗi năm vườn hoa lan denro cho ông thu lãi trên 2 tỷ đồng, một con số đáng mơ ước đối với người làm nông nghiệp hiện nay.

Khát vọng cho lan Việt

Chia sẻ băn khoăn của chúng tôi là hiện nay ở Việt Nam có nhiều người trồng lan denro nhưng ít người thành công như ông, ông Thái cầm chậu hoa lan rồi chỉ vào những bông hoa rực rỡ sắc màu, nói: “Quan trọng là mình phải nắm kỹ thuật cho thật vững.

Vì sao Thái Lan họ làm được còn người Việt mình không làm được? Điều đó làm tôi băn khoăn lắm! Chính vì thế, vừa phát triển vườn cây tôi vừa phải học tập và trả giá nhiều lần mới được như ngày hôm nay”.

Thành công của trại hoa lan Mai Quốc Thái là nhờ nắm vững kỹ thuật và duy trì được lòng đam mê.

Đối với ông Thái, chăm lan denro cũng giống như chăm con mọn. Đến từng khoảng cách giữa các chậu, các luống hay khoảng cách mành lưới, thậm chí là sức gió trong khuôn viên vườn lan rộng 4 ha, cũng đều phải có sự tính toán chi li, khoa học.

Ông không chấp nhận sự cố sâu bệnh trong vườn nhà như người khác. Mọi tình huống giả định đều được ông lập ra và phòng ngừa ngay từ đầu. “Lan cũng như người, phòng bệnh hay hơn chữa bệnh”, ông Thái nói.

Sự thành công của ông Mai Quốc Thái trong trồng lan denro cũng gây ngạc nhiên cho chính người thầy của ông trước đây - chuyên gia Nguyễn Thiện Tịch, giảng viên dạy trồng hoa lan trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Ông Tịch cho biết: “Học trò của tôi trong cả nước có đến hơn 1.000 người, nhưng thành công như Mai Quốc Thái thì chỉ có một. Anh Thái có kiến thức cơ bản về nông học, có niềm đam mê và quyết tâm nên xử lý các khâu trồng lan denro bằng cách chưa ai từng đề cập đến”.

Ông Thái cho biết, trong năm 2014 ông sẽ phát triển vườn lan của mình lên đến 10 ha, tùy theo sức mua của thị trường. “Tôi vừa phát triển vừa thăm dò thị trường. Sức mua của thị trường lớn đến đâu thì tôi phát triển vườn lan đến đó, tránh phát triển ồ ạt.

Công nghệ mình nắm rồi, nhưng chỉ cần một bước đi sai lầm dễ dẫn đến thất bại. Tôi nghĩ, nếu có lộ trình phát triển hợp lý, lan của Việt Nam có thể phát triển mạnh, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan trong thời gian tới”, ông Thái nói.

Thành công của trại lan Mai Quốc Thái khiến nơi đây thành địa chỉ tìm đến của nhiều nhà vườn và các chuyên gia. Họ lặn lội vượt hàng trăm cây số để đến với vùng đất xa xôi, nằm bên hồ Dầu Tiếng để học hỏi kinh nghiệm.

Ông Thái bảo, ông sẵn lòng chia sẻ, đúng như tinh thần mà ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị tuyên dương các trang trại, nông dân tiêu biểu tỉnh Bình Dương 2013 vừa qua: “Anh Thái có sự tự tin, có thành công lớn trong việc phát triển hoa lan denro tại Bình Dương.

Tôi mong muốn anh chia sẻ kinh nghiệm với địa phương để phát triển mạnh loại cây trồng này, mang lại cơ hội cho nhiều người khác làm giàu từ cây hoa lan”.

Lan denro của ông Thái phát triển tốt đến mức, người Thái sau khi chuyển giao công nghệ, cung cấp giống nay lại mong được đến Việt Nam, được đến vườn lan để xem cách ông làm. Nhưng ông không muốn thế. Vì theo ông, lan denro do ta trồng có những lợi thế lớn không thể để cho người Thái biết được.

Lâu nay sở dĩ hoa lan denro trong nước còn đứng vững được vì lan của Thái Lan nhập về Việt Nam đều không được tươi lâu, màu sắc kém hơn lan bản địa. Chính vì thế, hoa lan Thái Lan dù nhập về giá rẻ hơn so với lan trong nước nhưng cũng không trụ được. Bí quyết “giữ tiền” trong túi của mình, không cho người Thái biết là nằm ở chỗ đó.


Có thể bạn quan tâm

Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…

29/04/2013
Bí Đỏ Thiệt Hại Kép Ở Xuân Đông (Đồng Nai) Bí Đỏ Thiệt Hại Kép Ở Xuân Đông (Đồng Nai)

Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.

10/11/2012
Mô Hình Mô Hình "Chung Cư Lợn" 40 Tỷ Đồng Ở

Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.

29/04/2013
Phát Triển Nuôi Tôm Công Nghiệp Theo Quy Trình VietGAP Ở Cà Mau Phát Triển Nuôi Tôm Công Nghiệp Theo Quy Trình VietGAP Ở Cà Mau

Cùng với việc quy hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp tập trung đạt diện tích 10.000 ha đến năm 2015, tỉnh Cà Mau chú trọng mở rộng quy mô nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo quy trình VietGAP, nhằm mục tiêu năng cao nâng suất, chất lượng mặt hàng thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

12/11/2012
Cá Mú Chết Hàng Loạt Do Ô Nhiễm Nguồn Nước Ở Đầm Cù Mông (Sông Cầu, Phú Yên) Cá Mú Chết Hàng Loạt Do Ô Nhiễm Nguồn Nước Ở Đầm Cù Mông (Sông Cầu, Phú Yên)

Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.

02/05/2013