Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Krông Nô Đẩy Mạnh Đưa Cơ Giới Hóa Vào Sản Xuất Nông Nghiệp

Krông Nô Đẩy Mạnh Đưa Cơ Giới Hóa Vào Sản Xuất Nông Nghiệp
Ngày đăng: 04/06/2014

Theo UBND huyện Krông Nô, hàng năm, địa phương có trên 2.700 ha lúa nước vụ hè thu, 1.795 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 1.900 ha ngô. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đưa lại những hiệu quả kinh tế lớn.

Trong những ngày này, trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Buôn Choáh, bà con nông dân chuẩn bị làm đất xuống giống vụ hè thu. Khắp các cánh đồng, những chiếc máy cày bánh lồng chạy băng băng để nhào trộn, đánh tơi đất ruộng. Chưa đầy 20 phút, mặt ruộng rộng chừng 500 m2 đã phẳng nhuyễn, láng mịn sẵn sàng “khoác lên mình” màu xanh lúa mới.

Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân trong xã nói: “Với gần 35 ha đất ruộng ở đây chỉ cần đội máy này ra quân “quần” trong hơn một tuần lễ là bà con có thể xuống giống được rồi. Trong khi mọi năm, vào dịp này nhà nào cũng tối mặt trên đồng ruộng mà còn lo trễ vụ, nay có máy làm, sẽ chủ động và nhanh hơn nhiều”.

Cánh đồng Buôn Choáh là một trong những nơi có ưu thế về thủy lợi nên những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư làm đường giao thông nội đồng, trạm bơm nước để xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng mẫu lớn và đã phát huy hiệu quả.

Yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong sản xuất ở đây là ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã có hàng chục máy làm đất, máy tuốt, máy xay xát… giúp cho việc sản xuất lúa của bà con nơi đây thuận lợi hơn bao giờ hết.

Tương tự, tại xã Nâm N’đir, những năm qua, chính quyền địa phương cũng nỗ lực giúp người dân thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng và đạt những kết quả nhất định. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, một hộ làm lúa trong xã, hiện có 3 sào lúa nước.

Những năm trước đây, do sử dụng lao động thủ công trong việc làm đất nên tốn rất nhiều công và mất thời gian, thậm chí có những vụ không làm đất kịp khiến cho ruộng lúa phát triển kém, năng suất lúa bị giảm khá nhiều. Nhưng những năm qua, gia đình ông và 10 hộ khác trong xã được hỗ trợ 1 chiếc máy cày đa năng đã giúp gia đình ông thuận lợi hơn trong việc làm đất.

Theo tính toán của ông Tiến, với việc sử dụng máy cày đa năng thì một lao động có thể làm được từ 2 đến 3 sào đất trong vòng một buổi. Còn trước đây thì gia đình phải huy động hàng chục người để cuốc, bừa 2-3 ngày mới có thể xuống giống được.

Ngoài các hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ máy móc nông cụ sản xuất của Nhà nước thì trên địa bàn huyện Krông Nô có nhiều hộ gia đình đủ điều kiện đã đầu tư máy cày công suất lớn, máy gặt đập liên hợp, máy tách hạt ngô… hoạt động theo hình thức dịch vụ đã giúp người dân thuận lợi hơn trong các khâu làm đất, thu hoạch.

Ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Xuyên Tân, xã Đức Xuyên cho biết: “Nếu trước đây, 1 ha lúa phải huy động khoảng 45 người gặt trong một ngày thì bây giờ, với một chiếc máy gặp đập liên hợp chỉ cần một buổi là gặt xong”.

Hiện nay, ở các xã như Đức Xuyên, Buôn Choáh, Nâm N'đir… có rất nhiều hộ chỉ bố trí một công lao động là có thể đảm đương được 1 ha ruộng, số người còn lại trong gia đình đi làm việc khác.

Tuy nhiên, mặc dù việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã đạt một số kết quả nhất định nhưng hiện nay do quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, tính hợp tác của nông dân còn thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư các loại máy có công suất lớn.

Do đó, trong thời gian tới, từ kết quả cánh đồng mẫu lớn tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô sẽ kiến thiết lại đồng ruộng, hoàn thành các vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung. Huyện cũng củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện để các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đủ năng lực làm nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản…


Có thể bạn quan tâm

Trồng Nấm Nghề Mới Ở Quế Nham Trồng Nấm Nghề Mới Ở Quế Nham

Với mong muốn phát triển nghề trồng nấm, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung xây dựng làng nghề, mở rộng phạm vi sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

24/02/2014
Hiệu Quả Từ Việc Trồng Tiêu Bằng Trụ Cây Sống Hiệu Quả Từ Việc Trồng Tiêu Bằng Trụ Cây Sống

Vườn tiêu hơn 500 trụ là nguồn thu nhập chính đối với gia đình anh Lê Trung Nhớ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê - Gia Lai). Anh Nhớ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó khoảng 500 trụ được trồng bằng cây trụ chết (gỗ) mới thu hoạch được 2 năm thì xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào 500 trụ tiêu trồng bằng cây keo này mà thôi.

24/02/2014
Mô Hình Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn Mô Hình Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn

Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.

22/03/2014
Tình Trạng Sùng Đất Hại Cây Trồng Lan Rộng Tình Trạng Sùng Đất Hại Cây Trồng Lan Rộng

Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.

24/02/2014
Khôi Phục Vườn Tiêu Ở Tân Liên (Quảng Trị) Khôi Phục Vườn Tiêu Ở Tân Liên (Quảng Trị)

Cây hồ tiêu vốn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Tuy nhiên do sự bùng phát của các dịch bệnh, cụ thể là bệnh chết nhanh, chết chậm đã khiến đa số vườn tiêu của người dân rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác.

24/02/2014