Kinh nghiệm trồng dưa hấu đạt năng suất cao

Vụ Xuân 2015, gia đình anh làm 6 sào dưa hấu (1 sào = 500m2). Hiện tại, anh đã thu hoạch được 3 sào, năng suất đạt 1,8 tấn/ sào, bán tại ruộng giá 3000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí về giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… anh còn lãi 4,5 triệu/sào.
Anh Hùng chia sẻ, trồng dưa hấu không khó nhưng đòi hỏi người làm phải biết áp dụng kỹ thuật chính xác, kinh nghiệm thực tế cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi mới đạt được năng suất cao. Vụ hè thu này anh dự định trồng dưa hấu toàn bộ đất nông nghiệp là 10 sào (0,5 ha). Đến thời điểm này anh đã gieo trồng được 3 sào ruộng, tiếp tục thu hoạch dưa vụ xuân, cải tạo và trồng vụ tiếp.
Ông Đậu Danh Nhân, khuyến nông viên xã Diễn Thành cho biết: năm nay toàn xã trồng 17 ha dưa hấu vụ xuân, năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha. So với các hộ trồng dưa khác thì ruộng dưa của gia đình anh Trần Duy Hùng đạt năng suất vượt trội hơn, thời gian trồng đến lúc thu hoạch chỉ 60 – 65 ngày, thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng/sào (25 – 30 triệu đồng/vụ/6 sào ruộng).
Trong quá trình trồng dưa anh Hùng đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm như sau:
+ Thời vụ: Ở Diễn Châu trồng dưa được 2 vụ/năm là vào vụ xuân và vụ hè (gieo từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch).
+ Chọn giống: Chọn giống dưa có quả dài, tròn đều, trọng lượng trung bình 3 - 4 kg, ruột đỏ, vỏ bì mỏng, có nguồn gốc từ Thái Lan như dưa Phù Đổng, Thánh Gióng…, những giống dưa này dễ bán, được thị trường ưa chuộng.
+ Chọn đất: Dưa hấu thích hợp ở vùng đất thịt nhẹ, đất cát pha, chủ động nguồn nước, tưới tiêu thuận lợi. Trước khi trồng dưa phải bón vôi, cày bừa kỹ. Cày luống đơn rộng 2,5m, luống đôi rộng 4,5 – 5m, cao 30cm
+ Màng phủ nông nghiệp: Nên dùng màng phủ có 2 mặt, mặt màu đen phủ xuống dưới có tác dụng ngăn ngừa cỏ dại, giữ ẩm, tránh xói mòn, rửa trôi, mặt bạc hướng lên trên có tác dụng phản chiếu ánh sáng mặt trời làm chói mắt, xua đuổi côn trùng gây hại cho dưa.
+ Mật độ trồng: thích hợp 450 – 500 cây/sào, cây cách cây 40 - 45cm
+ Gieo hạt: hạt giống sau khi ngâm ủ, phụ thuộc điều kiện thời tiết mà có thể gieo thẳng hoặc làm bầu.
+ Phân bón: Bón lót phân chuồng hoai mục và 15 kg phân NPK Đầu Trâu 13.13.13S. Tùy vào các giai đoạn phát triển của cây để hòa phân NPK để tưới gốc hay bón thúc cho hợp lý.
+ Tưới nước: Cây dưa rất cần nước nên cần phải tưới nước thường xuyên để đảm bảo giữ ẩm cho cây phát triển, nên tưới nước vào buổi sáng, rễ phát triển nhanh hơn, hạn chế bệnh bạc lá.
+Tỉa nhánh: Khi cây 3 - 4 lá thật bấm ngọn lần đầu, sau 5 – 7 ngày cây ra nhánh chọn mỗi cây 2 nhánh khỏe, cân đối để lại, dùng ghim định hướng nhánh để các ngọn vuông góc với luống dưa. Thường xuyên cắt tỉa các nhánh phụ để tập trung dinh dưỡng nuôi nhánh chính.
+ Thụ phấn: Sau khi trồng 25 – 30 ngày, cây ra hoa rộ thì tiến hành thụ phấn cho cây, thời gian thụ phấn tiến hành vào 7 – 9 h sáng.
+ Chọn quả: Nên chọn quả từ lá thứ 8 đến lá thứ 12, cách gốc khoảng 1,5 m, chọn quả dài, cuống to, tròn đầy, không bị sâu bệnh và lớn nhanh sau khi thụ phấn. Mỗi dây chọn 1 - 2 quả. Sau khi chọn quả 3 - 4 ngày thì bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
+ Phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Dưa hấu rất dễ nhiễm các loại sâu bệnh và rất mẫn cảm với các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh nếu dùng không đúng cách, vì thế khi sâu bệnh xuất hiện trên cây dưa nên sử dụng các loại thuốc chuyên dùng cho cây dưa, phun đúng liều lượng khuyến cáo.
* Một số lưu ý khi trồng dưa:
+ Không nên sử dụng các chất kích thích sinh trưởng vì nó kích thích cây hút nước mạnh, quả mau lớn và tích nước nhiều nên dễ bị úng nước, thúi rữa, vỡ quả.
+ Bón phân cân đối, vừa đủ. Nếu bón thừa phân, khi quả to gặp trời mưa quả dễ bị hỏng.
+ Không nên để đất khô quá khi tưới nước trở lại hoặc trời mưa thân cây dễ bị nứt.
+ Khi quả nhỏ không tưới nước lên quả, vì sẽ làm quả bị mất lông, sần sùi.
+ Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày để đảm bảo chất lượng dưa được ngọt hơn.
+ Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 10 -15 ngày để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Có thể bạn quan tâm

Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

Công ty TNHH Sinh Thái Trung Việt (Gia Lai) vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải tổ chức Hội thảo hướng dẫn ứng dụng chế phẩm “Vườn sinh thái Rainbow” trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân xã Xuân Hải.

Đây là lời cảnh báo của ông Trần Vũ Thanh - kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Ông Thanh cho biết, theo dõi diễn biến sâu bệnh trên trà lúa vụ Đông - Xuân của nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre), thấy mật độ bướm nở ngày càng nhiều, nở rộ, gói lứa sâu liên tục.

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.

Đặc thù khí hậu của tỉnh ta có lượng mưa thấp trong năm (mưa tập trung vào các tháng 8, 9,10) và nắng nóng kéo dài trong ngày (có thể từ 10 giờ sáng đến 3- 4 giờ chiều), nên lượng cỏ xanh trong tự nhiên khan hiếm. Với tập quán chăn thả tự nhiên, bãi chăn chỉ dựa vào nước trời là chính thì nguy cơ thiếu thức ăn cho đàn gia súc có sừng (bò, dê, cừu) là rất cao.